Quốc hội 'nóng' vì nợ công vượt giới hạn, áp lực trả nợ lớn

Nợ công tăng nhanh, vượt trần, áp lực trả nợ lớn; công tác tái cơ cấu DNNN chậm chạp… là những nội dung đáng chú ý tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 21.3.

[caption id="attachment_137314" align="aligncenter" width="410"]Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội - Ảnh: VGP Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội - Ảnh: VGP[/caption]

Nợ công vượt giới hạn 0,3%

Thay mặt Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Báo cáo của Chính phủ ghi nhận 3 đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng, GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người 2.109 USD.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, bên cạnh những thành tựu thì kinh tế còn không ít khó khăn. Tổng thu ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ, toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.

Bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP. Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3% (mục tiêu là 50%). Nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%.

Theo Phó thủ tướng, nợ công Việt Nam tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%). Việc sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí.

Nhiều tiêu chí phát triển đặt ra không đạt, thể chế kinh tế thị trường chưa thật đồng bộ, thông suốt, chưa thực sự là động lực tạo đột phá để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều mặt hạn chế, chưa đồng bộ, hiệu quả kết nối và chất lượng chưa cao. Quy hoạch kết cấu hạ tầng, nhất là ở các đô thị lớn chưa đáp ứng yêu cầu.

Phó thủ tướng cũng nêu rõ, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Kê khai tài sản còn hình thức.

Tái cơ cấu DNNN không đạt yêu cầu

Trình bày tại Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho hay, về tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn kinh tế Nhà nước nhưng việc triển khai và kết quả mang lại so với yêu cầu còn chậm.

“Một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi thể hiện trách nhiệm chưa cao. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nhiệm vụ Nhà nước giao”, ông Giàu nói.

Bên cạnh đó, công tác cổ phần hóa DNNN chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị của doanh nghiệp bởi tỷ lệ cổ phần của nhà nước còn cao. Tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại có được những chuyển biến, thể hiện được khả năng chi trả, đảm bảo được an toàn hệ thống, nợ xấu ngân hàng giảm dần.

Đã sáp nhập được một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, năng lực hoạt động yếu kém, tuy nhiên xuất hiện một số ngân hàng lớn phải thay đổi chủ sở hữu, một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý nợ chưa mang lại hiệu quả. Nhiều ý kiến nhận định rằng, tuy kinh tế phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn, lãi suất cho vay còn cao.

Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai khẩn trương đã nhân rộng được nhiều mô hình mới, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất đã tăng từ 57% năm 2010 lên 68% năm 2015.

Ngành nông nghiệp chỉ là kết quả bước đầu, chưa có chuyển biến mạnh mẽ, chưa giải quyết được những bức xúc của người dân từ nhiều năm nay trong vấn đề tiêu thụ, giá cả, quy hoạch. Mô hình hợp tác xã kiểu mới trong hoạt động nông nghiệp phát triển còn chậm.

Chương trình nông thôn mới đã đem lại kết quả khả quan, tuy nhiên, có nhiều xã nhằm chạy theo thành tích đã tạm ứng trước vốn đầu tư xây dựng nhưng chưa có nguồn vốn cân đối cần chấn chỉnh ngay.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ

Về phương hướng trong 5 năm tới, theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệch và méo mó thị trường. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ; từng bước hiện đại, ưu tiên một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, bảo đảm số lượng hợp lý có sức chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Theo Motthegioi

Link nội dung: https://phaply.net.vn/quoc-hoi-nong-vi-no-cong-vuot-gioi-han-ap-luc-tra-no-lon-a137313.html