Hướng tới một Quốc hội chất lượng, đáp ứng mong mỏi của cử tri

(Pháp lý) - LTS: Quốc hội Việt Nam đã trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển. Quốc hội  là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Quốc hội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong quá trình đó, Quốc hội đã luôn vận động, đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Cũng chính bởi vậy, sự kiện Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 22/5/2016 trên phạm vi toàn quốc đã và đang được toàn dân mong chờ. Sau cuộc bầu cử này Quốc hội và những quyết sách của nghị trường khóa mới sẽ có ý nghĩa quan trọng với tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước trong giai đoạn đặc biệt hiện nay. Để có một Quốc hội chất lượng thì đại biểu quốc hội có ý nghĩa cực kì quan trọng. Trước thềm sự kiện chính trị trọng đại này, trong 2 số báo phát hành tháng 3 và tháng 4/2016, Tạp chí Pháp Lý khởi đăng chuyên đề “Hướng tới một Quốc hội chất lượng, đáp ứng mong mỏi của cử tri”.

Bài 1: Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri

Quốc hội khóa XIII đã trải qua các phiên họp sôi động với các phiên thảo luận “nóng nghị trường” mà dư âm cũng như hiệu quả của nó lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, mang lại cho cử tri niềm tin về một giai đoạn phát triển mới của đất nước…

Điểm nhấn lập pháp là Bản Hiến pháp sửa đổi đề cao quyền con người.

Một trong những chức năng trọng tâm của Quốc hội đó là thực hiện quyền lập hiến, lập pháp. Quốc hội khóa XIII đã ghi dấu ấn quan trọng trong việc tạo lập ra bản Hiến pháp sửa đổi có tầm vóc, với khá nhiều điểm đổi mới, cởi mở, đề cao quyền con người. Cụ thể, Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật”. So với bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp mới có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

[caption id="attachment_137103" align="aligncenter" width="410"] Một phiên họp của Quốc hội khóa XIII
Một phiên họp của Quốc hội khóa XIII[/caption]

Tiếp đó, Quốc hội khóa XIII đã xây dựng, thông qua có trách nhiệm nhiều đạo luật chất lượng cao  có tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng tới cả xã hội như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sử (sửa đổi, Bộ luật Tố tụng hình sử (sửa đổi), Luật tố Tụng hành chính (sửa đổi)…

Đáng chú ý hơn cả là Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây có thể được xem là một bộ luật gốc chỉ đứng sau Hiến pháp năm 2013. Bộ luật đã được lấy ý kiến rộng rãi đối với tất cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội với nhiều quy định mới về giới tính, xác định lãi suất, thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi… Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) với điểm mới mang tính đột phá là “tòa án không được từ chối yêu cầu khởi kiện của người dân”. Theo đó, tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng có nhiều sửa đổi quan trọng quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên và quy định miễn thi hành án tử hình trong một số trường hợp… Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đề cập đến những nguyên tắc tiến bộ trong quá trình tố tụng. Những nội dụng nhận được nhiều sự chú ý như “quyền im lặng” - là nguyên tắc quan trọng để chống oan sai…

Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi) quy định mới về thẩm quyền xét xử của tòa án. Cụ thể, quy định giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trong chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội khóa XIII cũng ghi dấu ấn bởi đã thông qua nhiều dự luật quan trọng và có ý nghĩa với đời sống xã hội khác như Luật trưng cầu ý dân ( Luật này do Hội luật gia VN chủ trì soạn thảo), Luật Phí và Lệ Phí, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Luật thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi); Luật Thống kê (sửa đổi), Luật Kế toán (sửa đổi); Luật Khí tượng, thủy văn; Luật Quân nhân chuyên nhiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Luật An toàn thông tin mạng…

Trong quá trình thảo luận các dự luật, các ĐBQH đã trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm. Những đạo luật được thông qua đều đảm bảo chất lượng và sự đồng thuận rất cao, hầu hết đều đạt ở mức trên 80%, trên 90% tổng số ĐBQH tán thành. Đặc biệt, chất lượng của các văn bản luật được nâng cao, tiếng nói của cử tri hiển hiện ngày càng rõ nét.

Bỏ phiếu tín nhiệm với lãnh đạo và chất vấn không giới hạn

Quốc hội khóa XIII đã không ngừng đổi mới trong hoạt động giám sát. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2012/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện ngay sau đó và, được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Thấy rõ hiệu quả của hình thức giám sát này, Quốc hội đã chính thức luật hóa việc lấy phiếu tín nhiệm trong Luật tổ chức Quốc hội. Theo đó, Quy định Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ chủ chốt của nhà nước và cả lãnh đạo Quốc hội. Điều đó đã chứng tỏ sự công khai, minh bạch trong đánh giá cán bộ. Từ việc lấy phiếu tín nhiệm, các cán bộ, lãnh đão của nhà nước và Quốc hội sẽ có dịp nhìn lại các quyết định, chính sách của đơn vị mình và cải tiến hoạt động của mình tốt hơn.

[caption id="attachment_137104" align="aligncenter" width="410"] Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tham gia bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội khóa XIII
Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tham gia bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội khóa XIII[/caption]

Đặc biệt, một điểm mới so với những kỳ họp của các khóa, đó là tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn đối với tất cả các thành viên Chính phủ và kể cả đối với Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Phiên chất vấn đã để lại dấu ấn được cử tri cả nước ghi nhận… Đó là tính dân chủ, công khai, minh bạch được thể hiện rất cao vì đại biểu Quốc hội có thể nêu bất cứ nội dung, lĩnh vực nào mà mình quan tâm. “Gom góp” tấm lòng của cử tri qua những cuộc tiếp xúc, những đại biểu tâm huyết đã thẳng thắn trình bày ý nguyện của họ. Các tư lệnh ngành đến các Phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đến Thủ tướng đã trả lời với tinh thần, trách nhiệm cao.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhận được tổng cộng 27 câu hỏi chất vấn. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Thành viên Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao trả lời bằng văn bản hoặc trực tiếp trả lời chất vấn của Đại biểu tại Hội trường. Thủ tướng Chính phủ cũng đã trực tiếp trình bày báo cáo trả lời chất vấn khá công phu ngay tại phiên chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhận được 3 câu hỏi chất vấn của ĐBQH Trần Du Lịch (TP HCM). Cả ba nội dung trả lời của Chủ tịch Quốc hội đều rất cụ thể và đi thẳng vào vấn đề. Từ người hỏi đến các ĐBQH có mặt tại hội trường đều cảm thấy thỏa mãn với phần trả lời này.

Có thể nói, những đổi mới trong hoạt động chất vấn đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của các các cơ quan chịu sự giám sát, tạo niềm tin, sự phấn khởi của cử tri và nhân dân cả nước đối với ĐBQH. Những nội dung còn phải tiếp tục giải quyết như tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, hay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm… sẽ tiếp tục được đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới. Tính liên tục trong hoạt động giám sát chất vấn đã được hình thành một cách rất rõ ràng và cụ thể tại Quốc hội khóa này.

Hội đồng bầu cử Quốc gia – Nền tảng đổi mới cho khóa mới

Quốc hội khóa XIII còn được đánh giá là một Quốc hội có tình kế thừa nhất. Trước khi bế mạc Quốc hội khóa này, Quốc hội còn xây dựng nền tảng cho khóa XIV. Lần đầu tiên Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập theo Hiến định. Điều này góp phần hạn chế những bất cập trong cơ chế tổ chức, quản lý bầu cử hiện nay, đồng thời nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân.

Điều 117, Hiến pháp hiện hành quy định, Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do QH thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử ĐBQH; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định. Như vậy, chức năng chủ yếu của Hội đồng bầu cử quốc gia là tổ chức bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp, bảo đảm các cuộc bầu cử được tiến hành theo đúng nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín…

Thành viên của Hội đồng này là công dân Việt Nam, có đủ kinh nghiệm quản lý nhà nước, trải qua công tác điều hành thực tiễn, có kinh nghiệm trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và khi đã được bầu làm thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia thì họ không thể đồng thời kiêm nhiệm các vị trí công tác khác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị - xã hội nhờ vậy tính dân chủ của bầu cử khi thiết lập Hội đồng này được đề cao.

Và nhiều hoạt động thể hiện Quốc hội hội nhập…

Quốc hội khóa XIII cũng được đánh giá là một Quốc hội hội nhập sâu rộng và để lại dấu ấn sâu đậm trong bạn bè quốc tế. Quốc hội tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng tại Việt Nam như Đại hội đồng AIPO lần thứ 23; Đại hội đồng AIPA lần thứ 31; Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU132)... Điều đó đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao nghị viện Việt Nam, góp phần thiết thực vào tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Nhìn lại một quá trình, rõ ràng Quốc hội khóa XIII đã để lại những dấu ấn đáng tự hào. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận có một số hoạt động Quốc hội chưa đạt được như mong mỏi của cử tri. Chẳng hạn như vấn đề giám sát hoạt động chống tham nhũng, giám sát hoạt động doanh nghiệp nhà nước, giám sát việc kiểm soát an toàn thực phẩm… Những hạn chế đó có phần do chất lượng đại biểu. Bài viết tiếp theo của chuyên đề “soi” về vấn đề chất lượng đại biểu…

Nhóm PV chuyên mục Từ CS đến nghị trường ( thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/huong-toi-mot-quoc-hoi-chat-luong-dap-ung-mong-moi-cua-cu-tri-a137102.html