Thiên cơ lộ quá sớm, Trung Quốc khó mơ mộng bá vương

(Pháp lý) - Thời gian qua, việc Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động có dấu hiệu quân sự hóa ở Biển đông như: Xây dựng sân bay, đưa tên lửa, đưa hệ thống rađa tần số cao…khiến dư luận thế giới rất quan ngại. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an).

Phóng viên: Thưa thiếu Tướng, những hành động ngang ngược, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc sẽ tác động như thế nào tới tình hình hòa bình, chính trị, an ninh kinh tế trong khu vực, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương : Có thể khẳng định rằng, việc Trung Quốc xây dựng sân bay, đưa tên lửa lên đảo Phú Lâm và lắp ra đa tần số cao ở đảo Châu Viên…là hàng loạt những hành động đã được kéo dài từ rất lâu. Đây không chỉ ảnh hưởng đến các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Việt Nam, Philippines, Malaysia…mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thương toàn cầu. Bởi hiện nay, Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới với 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông. Biển Đông có những eo biển quan trọng như eo biển Malacca, eo biển Đài Loan là những eo biển khá nhộn nhịp trên thế giới. Do đó, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa - chiến lược, an ninh quốc phòng, giao thông hàng hải và kinh tế.

[caption id="attachment_137023" align="aligncenter" width="410"]Thiếu tướng LêVăn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an Thiếu tướng LêVăn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an[/caption]

Cùng với đó, Hệ thống phòng không HQ-9 mà Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm có khả năng tấn công bất kỳ máy bay dân sự hay quân sự nào trong tầm bắn lên đến hơn 200km và ra đa cảnh báo sớm tần số cao. Như vậy, Trung Quốc có thể kiểm soát hoàn toàn Biển Đông và cả eo biển Malacca, đây thực sự là thách thức lớn cho quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông. Không những vậy, với việc điều hệ thống HQ-9 ra Hoàng Sa, Trung Quốc đạt mục tiêu kép đó là vừa tạo được thế bố trí phòng thủ từ xa để bảo vệ cho Hải Nam và đất liền vừa tạo “lá chắn che đầu” cho các phương tiện của Trung Quốc cả quân sự, dân sự hoạt động trên biển

Mặc dù, những hành động này của Trung Quốc đang có nguy cơ tạo ra xung đột đối với các nước trong khu vực, tuy nhiên, có vẻ như dư luận thế giới, đặc biệt là các cường quốc như: Mỹ và đồng minh, Nga…đang có phản ứng và hành động chưa thật sự quyết liệt. Vì sao lại có chuyện như vậy, thưa ông?

Tôi cho rằng, phản ứng của Mỹ và đồng minh chưa phải là quyết liệt, tuy nhiên, việc Mỹ điều tàu và máy bay quân sự tiếp cận các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp và lên tiếng chỉ trích những hành động quân sự hóa Biển Đông, rõ ràng đã tác động rõ rệt tới hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên, dư luận thế giới trông chờ vào hành động quyết liệt và tỏ thái độ cứng rắn hơn nữa từ Mỹ, nhưng có lẽ do lợi ích kinh tế giữa hai nước nên có vẻ như Mỹ vẫn đang thiếu đi sự quyết liệt cần thiết.

Với một số nước trên thế giới, nếu có hành động tương tự như Trung Quốc thì Mỹ thường đưa ra các lệnh trừng phạt, cấm vận…tuy nhiên, đối với Trung Quốc thì có vẻ là ngoại lệ, thưa ông?

Đây chính là xuất phát từ lợi ích kinh tế giữa hai nước, ngoài Mỹ thì quy mô nền kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua tất cả các nước. Không giống như trong quan hệ với Nga, Iran…khi lợi ích của Mỹ ở các nước này đều tương đối mờ nhạt, có cấm vận hoặc không cấm vận đều không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Mỹ thì với Trung Quốc lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu Mỹ bao vây cấm vận đối với Trung Quốc nó sẽ gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế hai nước. Điều này chứng to, mọi hành động cấm vận, bao vây kinh tế đối với Trung Quốc cần cân nhắc rất kỹ càng, nó thể hiện sự chùn bước của Mỹ trước những hành động của Trung Quốc thời gian qua. Theo tôi được biết, hiện nay, theo kim ngạch thương mại giữa hai nước đang ở mức rất cao, riêng năm 2015 chứng kiến một bước phát triển thành công trong quan hệ hợp tác thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, với kim ngạch trao đổi thương mại trên 558 tỷ USD. Chính vì thế, giải pháp bao vây, cấm vận không phải là giải pháp tốt đối với chính giới Mỹ. Ngoài ra, một điểm yếu lớn nhất của chính giới Mỹ là không hiểu rõ và đúng về Trung Quốc.

[caption id="attachment_137024" align="aligncenter" width="410"]Trung Quốc ngày càng lộ rõ dã tâm độc chiếm Biển đông Trung Quốc ngày càng lộ rõ dã tâm độc chiếm Biển đông[/caption]

Phải chăng, Trung Quốc nhận ra điểm yếu này của Mỹ nên ngày càng lấn tới?

Đây là điều hoàn toàn đúng, riêng trong quan hệ giữa Mỹ và Hoa Kỳ, tôi có thể chia ra làm mấy giai đoạn như thế này. Giai đoạn 1 từ 1949 – 1972, đây là giai đoạn Mỹ bao vây, cấm vận đối với Trung Quốc, diễn biến hòa bình nhằm làm Trung Quốc sụp đổ. Giai đoạn 2, từ năm 1972 – 2010, là mở cửa đón Trung Quốc hội nhập với quốc tế bằng cách tác động tới Trung Quốc thành một thành viên có trách nhiệm với cộng động quốc tế. Trung Quốc, là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc thì phải hành động là như 1 nước lớn và có trách nhiệm với cộng động quốc tế. Giai đoạn 3 từ năm 2011, Chính giới Mỹ nhận thấy rằng, không thể cải tạo Trung Quốc được. Trung Quốc không phải là quốc gia phát triển và trỗi dậy hòa bình mà họ sẽ gây sự và phá bỏ trật tự hiện nay. Chính vì không hiểu Trung Quốc nên suốt từ năm 1972 đến nay, tức là 44 năm đã qua, Hoa Kỳ theo đuổi 1 chính sách với Trung Quốc là thôi không bao vây cấm vận Trung Quốc nữa và mở cửa cho Trung Quốc hội nhập với thế giới, biến Trung Quốc thành một cổ đông có trách nhiệm, tức là một nước lớn có trách nhiệm với thế giới.

Vì thế, từ năm 2011, Mỹ mới chuyển trọng tâm chiến lược từ Đại Tây Dương sang Châu á – Thái Bình Dương nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đây là một sai lầm nghiêm trọng của người Mỹ trong chính sách với Trung Quốc.

Ông có nghĩ, phải chăng, cộng đồng quốc tế đang thiếu giải pháp để ngăn chặn việc quân sự hóa này của TQ?

Hiện nay, không phải cộng đồng quốc tế thiếu giải pháp đối phó với Trung Quốc. Trước đây, chính sách của Trung Quốc chính là “giấu mình chờ thời” chính sự hung hăng và sớm lộ mưu đồ của mình quá sớm đã khiến các quốc gia trên thế giới cảnh giác hơn khi thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Tôi cho rằng, khi người Mỹ bị sa lầy vào cuộc chiến chống khủng bố 15 năm ở Afghanistan đã làm Mỹ suy yếu toàn diện. Suy yếu về kinh tế, suy yếu về quốc phòng, suy yếu về uy tín ngoại giao và chính sự suy yếu này đã giúp Trung Quốc vượt lên và đến nay, khả năng Trung Quốc có thể khống chế cả khu vực Đông á và có khả năng đẩy cả Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương. Chính điều này đã làm thức tỉnh chính giới Mỹ và Mỹ đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và hiện nay Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là nhằm để đối phó với Trung Quốc. Thực chất đây là Hiệp định kinh tế nhưng sau nó cũng là an ninh, kéo các nước trong TPP đi với Mỹ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.

Sau thời gian dài theo đuổi chính sách “giấu mình chờ thời”, “trỗi dậy hòa bình”…Ông có nghĩ, hiện nay Trung Quốc đang bộc lộ mưu đồ, dã tâm của mình quá sớm không?

Tôi cho rằng, Trung Quốc để lộ mình quá sớm. Là một người chuyên nghiên cứu về chiến lược, tôi cho đây là một sai lầm của Trung Quốc. Những việc đưa tên lửa đất đối không xuống Phú Lâm, lắp ra đa quân sự tần số cao ở Châu Viên, cải tạo đảo Gạc Ma, Chữ Thập thành sân bay quân sự…trong các năm 2014, 2015 và 2016 này đều là sai lầm cả. Thứ nhất, anh đã để lộ thiên cơ, nghĩa là Trung Quốc đã phô cái bộ mặt tươi cười là nước có trách nhiệm tại các diễn đàn song phương, đa phương của thế giới trước đây và bây giờ lại hành động ngược lại.

Nên nhớ, Trung Quốc là nước đã chi tiền để quảng bá cho hình ảnh của mình mỗi năm lên tới 10 tỷ USD với nhiều từ hoa mỹ như: Sự trỗi dậy hòa bình; Trung Quốc phát triển thì mọi quốc gia chỉ có thể được lợi chứ không bị ảnh hưởng gì; Trung Quốc không xâm phạm lợi ích của ai, không can thiệp công việc nội bộ của nước nào; không xâm phạm chủ quyền nước nào cả…Rõ ràng, với những hành động trong thời gian qua thì Trung Quốc đã bộc lộ ý đồ sâu xa là hiếu chiến, bành chướng, lộ thiên cơ sớm quá.

Liệu có cần tập hợp một liên minh đểđối phó với Trung Quốc không, thưa ông?

Chính vì để lộ thiên cơ quá sớm nên buộc lòng cộng đồng quốc tế phải cảnh giác và việc hình thành một liên minh tập hợp các lực lượng mới để đối phó với sự bành chướng này của Trung Quốc là điều đương nhiên. Thực ra, trước đây, trong ý đồ của Trung Quốc là bằng mọi cách phải đẩy Mỹ ra khỏi phía tây Thái Bình Dương, Đông Á. Nhưng những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua đã giúp Mỹ có cái cớ để đẩy mạnh và củng cố quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ...Điều này, rõ ràng không có lợi cho tham vọng của Trung Quốc hiện nay. Với việc Mỹ - Nhật - Hàn - Ấn Độ - Australia bắt tay, củng cố quan hệ thì sẽ tạo thành một liên minh kìm kẹp Trung Quốc. Đây chính là sai lầm chết người của ông Tập Cận Bình. Chính ông Tập Cận Bình đang tự lấy đá ghè vào chân mình và tôi cho rằng, khi thiên cơ lộ quá sớm thì mộng bá vương của Trung Quốc chắc sẽ còn xa vời.

[caption id="attachment_137025" align="aligncenter" width="410"]Cộng đồng các nước ASEAN cần đồng tâm, hiệp lực mới có thể đối phó được với sự bành chướng của Trung Quốc Cộng đồng các nước ASEAN cần đồng tâm, hiệp lực mới có thể đối phó được với sự bành chướng của Trung Quốc[/caption]

Ngay cả những nước trong khối ASEAN cũng đang chia rẽ và chưa tìm được tiếng nói chung đối với hành động của Trung Quốc trong thời gian qua?

Sự thiếu đồng nhất này xuất phát từ chính sách “chia để trị” của Trung Quốc. Trung Quốc đã cài cắm và đưa “con ngựa thành Troia” vào nội bộ ASEAN nên trong 10 nước ASEAN vẫn còn những tiếng nói lạc lõng, thậm chí là nói phụ họa cho Trung Quốc. Tuy nhiên, trong tuyên bố ở California (Mỹ) của 10 nước ASEAN với Mỹ ngày 16/2 vừa qua, khi đưa ra 17 nguyên tắc. Lần đầu tiên trong lịch sử 10 nước ASEAN và Mỹ có 1 nhận thức chung về những nguyên tắc: Đảm bảo hòa bình, ổn định an ninh ở khu vực này. Nên dù Trung Quốc có làm gì cũng không thể thay đổi được. Thứ hai, ASEAN đang hình thành một cộng đồng chung với 3 trụ cột: Cộng đồng an ninh chính trị, cộng đồng kinh tế, cộng đồng văn hóa – xã hội. Nói gì thì nói nhưng tôi cho rằng, ASEAN cần củng cố nhận thức đúng đắn, thống nhất trong nội khối và từ nhận thức đó thì mới bàn tới giải pháp ứng phó với Trung Quốc nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

Còn đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các nước có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông như: Việt Nam, Philipines, Malaysia…cần làm gì để đối phó với sự bành chướng này?

Biển đông không phải là vấn đề riêng của Việt Nam hay Philipines mà vấn đề chung của toàn khu vực và thế giới. Nếu Biển đông dậy sóng và khủng hoảng thì làm sao có các nước yên ổn. ASEAN cần phải phải thực hiện chính sách ngoại giao, chính sách kinh tế, an ninh quốc phòng đa phương. Các nước ASEAN không thể dựa vào Trung Quốc về kinh tế được. Lịch sử mách bảo, không một quốc gia nào hợp tác với Trung Quốc mà thành công cả. Tất cả các quốc gia hợp tác với Mỹ đều giàu có, đều thịnh vượng. Cho nên ai đấy mà mơ hồ, vẫn còn chìm đắm trong quan hệ làm ăn với Trung Quốc thì hãy nên tỉnh ngộ và tham gia vào liên kết với Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU về kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. ASEAN chỉ có sức mạnh khi kết hợp sức mạnh của nội bộ, đoàn kết chặt chẽ cùng với sự hợp tác bên ngoài với các trung tâm thương mại của thế giới như: Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ…thì mới đủ sức đương đầu với mọi thách thức được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn Don ( thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thien-co-lo-qua-som-trung-quoc-kho-mo-mong-ba-vuong-a137022.html