Đời sống của hầu hết những người chiến sĩ Gạc Ma năm xưa đều khó khăn, và khắp mọi miền đất nước người ta đang đua nhau xây tượng đài.
Hôm nay, ngày 14/3, ngày này, 28 năm trước- ngày 14/3/1988 diễn ra sự kiện bi hùng, 64 sĩ quan, chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền ở hai đảo Gạc Ma và Len Đao, nhưng không thể giữ được Gạc Ma.
Phải đến 26 năm sau thì người dân mới tỏ tường hơn sự kiện đau thương này. Truyền thông mới bắt đầu tìm kiếm thông tin từ những sĩ quan, chiến sĩ trở về từ điểm nóng Côn Lin, Len Đao, Gạc Ma để tái hiện sự kiện mà bao nhiêu năm vẫn đau đáu trong trái tim người dân Việt.
[caption id="attachment_137001" align="aligncenter" width="410"] Bức tranh mô tả trận hải chiến Gạc Ma, treo trong phòng truyền thống vùng 4 Hải quân[/caption]
27 năm sau, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã thành hình hài, trên khuôn viên rộng 2,5 ha dọc bờ biển huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Viên đá đầu tiên đã được đặt, tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” nay cũng đã hoàn tất được 70%.
Kinh phí dự toán giai đoạn 1 là 153 tỷ đồng với nhiều hạng mục hoành tráng. Dự kiến giai đoạn 2 xây dựng khu đảo Cô Lin và Len Đao… Kinh phí xây dựng khu tưởng niệm được huy động từ nguồn đóng góp của xã hội.
Tưởng nhớ những người con đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền tổ quốc là nghĩa cử, là sự tri ân của những người đang sống hôm nay.
Tôi vừa đọc được bài trên báo Dân trí: “Cuộc sống khốn khó của những cựu binh Gạc Ma", đó là cựu binh Gạc Ma Hồ Văn Ba. Lặng người khi nghe vợ ông Ba nói với phóng viên rằng “Không đi biển lấy tiền mô đong gạo?”. Ông Ba vốn hay đau ốm, sức khỏe yếu nhưng vẫn phải ra khơi vì "lấy tiền mô mua gạo”.
Hai đứa con gái thì cũng chỉ được học hết lớp 9 rồi phải đi làm thuê kiếm sống. Theo bài báo, đứa con gái thứ 2 của ông Ba sinh năm 1994, theo bạn bè sang Malaysia làm thuê để “đổi đời”. Mới sang được vài tháng đã bị bắt vì nhập cảnh không hợp pháp, nhà không có tiền để chuộc con về.
Biết tin về ông, một nhà từ thiện đã hỗ trợ ông trả nợ ngân hàng và tiền để xây ngôi nhà mơ ước, thay cho túp lều tranh mà gia đình ông ở đã bao năm. Giờ ngôi nhà cũng đã xây xong phần móng.
Cuộc sống của cựu binh Hồ Văn Đạo cũng chẳng khá hơn đồng đội Hồ Văn Ba. Ba đứa con thì cũng chỉ học đến lớp 5 rồi cũng phải đi biển để kiếm kế sinh nhai. Được họ hàng, làng xóm cho mượn tiền để xây căn nhà cấp 4 nhưng số tiền nợ 120 triệu đồng không biết bào giờ mới trả được.
Một cựu binh Gạc Ma khác là Lê Hữu Thảo. Tôi còn nhớ, ngày tìm được Lê Hữu Thảo vào năm 2012. Thảo là một trong 5 người ở tổ cắm cờ trên đảo Gạc Ma sáng ngày 14/3/1988.
Tôi đón Thảo - người lính quê Hà Tĩnh tròn 23 tuổi trở về từ Gạc Ma tại cầu tầu quân cảng Cam Ranh. Thế rồi biền biệt 24 năm mới gặp được Thảo, nhưng cái tên Lê Hữu Thảo thì vẫn in đậm trong trí nhớ tôi.
Gặp lại, biết được Thảo không nhà, không công ăn việc làm ổn định, sống bằng nghề “đụng đâu làm đó”, tôi liền nhờ hết nơi này đến nơi khác để Thảo có được việc làm. Nơi nào tôi cũng thuyết phục đó là “cựu binh Gạc Ma”, để rồi, nơi nào cũng lắc đầu vì “anh ấy lớn tuổi”.
Tôi vẫn thấy như nợ Thảo… một món nợ sao mà thấy khó trả đến vậy. Vợ Thảo tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Kinh tế, đến giờ vẫn chưa thể tìm được việc làm.
Rồi chuyện con của liệt sĩ Gạc Ma - Phan Huy Sơn - Phan Thị Trang lật đận mãi cũng mới có chân làm việc ở Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu ( Nghệ An). Có được việc làm gần nhà giúp mẹ chăm đứa em bị bại não từ nhỏ cũng là nhờ “tâm thư” mà Trang đã viết gửi Bộ trưởng Bộ Y tế.
Rồi chuyện mái nhà của mẹ Việt Nam anh hùng, người mẹ của Thiếu úy, anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương cũng mới được sửa sang…
Những người lính trở về sau trận chiến 14/3/1988 đa phần đều khó khăn, thân nhân của các liệt sĩ cũng “na ná” hoàn cảnh như nhau - lời của Lê Hữu Thảo.
Khi chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa- Trường Sa” ra đời thì các thân nhân liệt sĩ, cựu binh mới nhận được số tiền hỗ trợ ít ỏi, người khó khăn nhiều thì nhận được 50 triệu đồng; ít khó khăn hơn thì là 30 triệu, 20 triệu đồng…
Thôi thì, “của ít lòng nhiều” cũng là tấm lòng tri ân với những người không tiếc thân mình vì tổ quốc.
Trung tuần tháng 1 này, tôi nghe tin Nhà nước sắp xây dựng khu tưởng niệm Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Việc xây dựng khu tưởng niệm để giáo dục truyền thống là hết sức cần thiết, nhưng dư luận cũng đang băn khoăn có nên xây dựng hoành tráng, tốn kém tiền của?
Câu hỏi này cũng đã từng được dư luận đặt ra khi tỉnh nghèo như Quảng Nam bỏ kinh phí xây tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hết 411 tỷ đồng.
Bất chợt tôi nhớ đến lời của một vị bộ trưởng phát biểu trước Quốc hội rằng, nước mình chỉ thích tượng đài “cao to và hoành tráng”. Mới đây, báo chí cũng đưa tin các địa phương đua nhau xây tượng đài và quảng trường với kinh phí đến hàng ngàn tỷ đồng. Địa phương làm sau phải to hơn, hoành tráng hơn, nhiều tiền hơn. Giống như phong trào đúc chuông cũng đã rầm rộ một thời.
Kiến trúc sư, họa sĩ Lý Trực Dũng đã thốt lên rằng: Không có một quốc gia nào trên thế giới có số lượng tượng đài được xây dựng bằng tiền ngân sách nhiều như ở Việt Nam.
Theo ông thì, có những tượng đài nhỏ nhưng giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, mỹ thuật và cả tâm linh hơn gấp nhiều lần so với những tượng đài hoành tráng, to lớn, vô hồn. Thật sai lầm cứ nghĩ tượng đài là phải to, phải hoành tráng.
Tết Nguyên đán vừa rồi, Bí thư Thành ủy TPHCM - Đinh La Thăng đã đến thăm nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Em ở Củ Chi có chồng và con là liệt sĩ, mẹ Lê Thị Kiều Oanh có cha và chồng là liệt sĩ.
Cám cảnh con đường vào nhà mẹ khấp khểnh khó đi, căn nhà đã xuống cấp, ông chỉ đạo phải làm ngay đường, sửa ngay nhà cho các mẹ. Tân Bí thư nhấn mạnh: Đảm bảo điều kiện sống tốt cho gia đình chính sách là việc làm phải thường xuyên.
Lời nhắn nhủ đó chính là việc đền ơn đáp nghĩa, tri ân thiết thực nhất với những người con đã không tiếc máu xương để bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Theo Khampha
Link nội dung: https://phaply.net.vn/anh-hung-gac-ma-va-nhung-tuong-dai-nghin-ty-a137000.html