Quên sao chuyến đò quê

Lên chuyến phà Châu Giang nơi miền Tây sông nước làm tôi bâng khuâng nhớ bến đò xưa ở quê năm nào. Thủa nhỏ nhà tôi ở bên kia sông, mỗi lần đi học, chợ phiên hay lên xã xuống huyện đều phải “lụy đò”. Bến đò ngang là một phần không thể tách rời trong cuộc sống của những nóc nhà bên cù lao sông.

Cù lao bên sông những năm ấy chỉ độ mươi nóc nhà, nên cả bến chỉ có một con đò. Lũ trẻ chúng tôi sớm mai đi học có khi phải đi sớm để đợi người lái đò từ bên kia bờ sang. Có hôm đến phiên thi học kỳ sợ muộn cả lũ cùng hò nhau cuống cuồng gọi vang cả khúc sông.

Lại có ngày chiều về, bác lái đò bận xíu việc bên kia sông chưa sang được, lũ trẻ lại túm tụm nhau chơi ô ăn quan dưới gốc bàng gần bến, mong người lái đò như mong mẹ về chợ. Có ngày bác ốm người nhà ra lái đò thay, nhưng mọi người đều cảm thấy như thiếu vắng điều gì đó. Dẫu vẫn là sang sông về bến, nhưng dường như người lái đò già đã quen thuộc và là một phần không thể thiếu của khúc sông này.

[caption id="attachment_136447" align="aligncenter" width="410"] Bến đò quê - hình minh họa (ảnh: Hạ Nguyên)
Bến đò quê - hình minh họa (ảnh: Hạ Nguyên)[/caption]

Tôi lớn lên trên cù lao sông và với bến đò ngang như thế trong hơn một thập kỷ. Khi nhà cửa đông đúc hơn, nhiều người ghé thăm hơn thì cù lao được bắc một cây cầu treo. Bến đò được xây kè vuông vắn để người dân giặt giũ áo quần, gánh nước, trẻ con bơi lội… Ngày khánh thành cầu treo, người dân hai bên sông vui mừng, hồ hởi lắm. Ngày hôm ấy tôi nhớ mãi chỉ có người lái đò già cần mẫn là xa xăm. Có lẽ ông vui chung với niềm vui của người dân đôi bờ, nhưng đâu đó lẩn khuất nỗi buồn không lời khi ông phải xa con đò gắn bó với ông gần hết đời người.

Từ khi có cầu treo cù lao như nhộn nhịp hơn, đi lại thuận tiện hơn. Nhưng đâu đó mọi người vẫn có cảm giác thiếu vắng một điều gì thân quen và nhắc đến người lái đò già tảo tần sớm khuya. Con đò năm xưa im lìm trong góc nhỏ, người lái đò dần vắng bóng trên bến sông, tiếng gọi đò chìm vào quá khứ, nhịp chèo chỉ còn trong ký ức…

Dẫu biết rằng cuộc sống đổi thay, cây cầu nối hai bờ là điều tất yếu. Nhưng bến sông, con đò và người khua chèo năm xưa luôn là một phần trong ký ức của những người trên cù lao.

Giờ đây đi trên chuyến phà Châu Giang này, ngắm nhìn khu vực xây dựng cầu Châu Đốc để thay thế phà Châu Giang, tôi chợt nghĩ một ngày không xa nữa cây cầu hiện đại sẽ hoàn thành, thay thế con phà nhỏ. Với người dân sống hai bên sông quê tôi hẳn là sự thay đổi lớn, niềm vui khôn xiết khi chỉ “vèo” một vài phút là đã qua cầu, sang sông. Những chuyến phà Châu Giang sẽ lại lùi dần vào quá khứ, trở thành hoài niệm khó quên.

Theo Daviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/quen-sao-chuyen-do-que-a136446.html