Tránh chính trị hóa các vấn đề quyền con người

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định tất cả các quyền con người là phổ quát, không thể tách rời, phụ thuộc và có liên quan đến nhau; nhấn mạnh hợp tác là phương thức để giải quyết các quan tâm chung, cần tránh đối đầu và chính trị hóa các vấn đề quyền con người.

[caption id="attachment_136321" align="aligncenter" width="410"] Đoàn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: Tố Uyên/Vietnam+)
Đoàn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: Tố Uyên/Vietnam+)[/caption]

Ngày 1/3, phát biểu tại Hội nghị cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam tin tưởng vào vai trò của Hội đồng Nhân quyền và cho rằng yếu tố đưa đến thành công của Hội đồng Nhân quyền là tinh thần hợp tác và đối thoại giữa các nước trong cộng đồng quốc tế.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đánh giá cao những đóng góp của Hội đồng Nhân quyền và nhấn mạnh đối thoại và hợp tác là phương thức hữu hiệu nhất trong xử lý các vấn đề về nhân quyền.

Tại hội nghị với sự tham gia của gần 100 nhà lãnh đạo cấp cao và cấp bộ trưởng của các nước cũng như nhiều lãnh đạo các tổ chức quốc tế, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh Hội đồng Nhân quyền cần đóng vai trò tích cực trong triển khai thực hiện hai thỏa thuận lịch sử có mối liên hệ mật thiết đối với việc bảo đảm quyền con người mà cộng đồng quốc tế vừa thông qua, đó là Chương trình Nghị sự về Phát triển bền vững đến 2030 và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. Trong năm cuối nhiệm kỳ tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tập trung vào các nội dung này cũng như nội dung bảo đảm quyền của người khuyết tật.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đồng thời nhấn mạnh nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nhất là trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ. Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định mặc dù còn nhiều thách thức, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để người dân ngày càng được thụ hưởng tốt hơn quyền con người và thành quả của công cuộc phát triển đất nước. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào hoạt động của các cơ quan Liên hợp quốc về quyền con người, trong đó có Hội đồng Nhân quyền và Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) mà Việt Nam đang là thành viên.

Trước đó, tại cuộc thảo luận cấp cao về Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và quyền phát triển tại Hội đồng Nhân quyền ngày 29/2 cùng với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và đại diện hơn 180 quốc gia thành viên Liên hợp quốc khác, Trưởng đoàn Việt Nam đã có phát biểu đánh giá việc thông qua SDGs là thành tựu chưa từng có của cộng đồng quốc tế, trong đó lấy người dân làm trung tâm, lấy phát triển bền vững để thúc đẩy quyền con người. Với cam kết và thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) trước đây, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa SDGs vào các chính sách phát triển của mình và mong nhận được sự hợp tác của các nước.

Tại cuộc thảo luận cấp cao của Hội đồng Nhân quyền về kỷ niệm 50 năm các Công ước về các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, văn hóa xã hội, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định tất cả các quyền con người là phổ quát, không thể tách rời, phụ thuộc và có liên quan đến nhau; nhấn mạnh hợp tác là phương thức để giải quyết các quan tâm chung, cần tránh đối đầu và chính trị hóa các vấn đề quyền con người. Việt Nam cho rằng các nước cần tăng cường nhận thức của người dân về nội dung của hai công ước này và đưa vào chính sách, pháp luật của nước mình./.

Theo VietNam+

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tranh-chinh-tri-hoa-cac-van-de-quyen-con-nguoi-a136320.html