Người Nhật sợ nhất “chi phí gầm bàn” ở Việt Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, sáng nay 24/2 ông đọc trên báo thấy người Nhật sang Việt Nam đầu tư bức xúc và sợ nhất là “chi phí gầm bàn”. “Chúng ta đang phấn đấu “Asean 4”, luật pháp minh bạch nhưng vẫn mất đầu tư không chính thức như vậy làm mất hình ảnh rất lớn” - ông Giàu nói.

[caption id="attachment_135957" align="aligncenter" width="410"] Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Quốc hội).
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Quốc hội).[/caption]

Phát biểu trên được ông Nguyễn Văn Giàu đưa ra tại buổi thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 24/2 về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Giàu cho rằng trong nhiệm kỳ tới đây, Chính phủ phải coi chống tham nhũng và cải thiện bộ máy công quyền là nhiệm vụ đột phá.

“Hơn nữa xã hội còn rất bức xúc về tham nhũng, lãng phí. Phải vượt qua “dốc” ấy sẽ rất thành công. Rồi tổ chức bộ máy, tiền lương, biên chế là nhiệm vụ rất lớn cần phải giải quyết”- ông Giàu nói.

Luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết

Trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết căn cứ các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành, triển khai Chương trình hành động toàn khóa, trong đó xác định 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 637 đề án lớn, trong nhiệm kỳ đã cụ thể hóa thành trên 2.600 đề án thành phần để tổ chức thực hiện. Đến năm 2015 đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn 59 đề án chuyển sang năm 2016.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giảm mặt bằng lãi suất, bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế gắn với xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Trong cải cách hành chính, từ năm 2011 đến nay đã đơn giản hóa 4.471/4.723 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 94,7%.

Trong hoạt động đối ngoại, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, kinh tế. Công tác hội nhập quốc tế được triển khai tích cực hiệu quả; hoạt động ngoại giao đa phương có bước chuyển quan trọng. Ngoại giao song phương tiếp tục phát triển với nhiều đối tác, trên nhiều lĩnh vực…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ. Cụ thể, việc quán triệt, thể chế hóa và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội trong một số lĩnh vực và ở một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong một số trường hợp tính khả thi chưa cao; công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong một số lĩnh vực còn những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Bài học rút ra được Chính phủ đặc biệt coi trọng là khâu tổ chức thực hiện, coi kết quả là thước đo năng lực chỉ đạo, điều hành. Cơ chế, chính sách chỉ là tiền đề, đòi hỏi phải thông qua tổ chức thực hiện mới đi vào cuộc sống.

“Chính phủ cũng đúc kết rằng, trong bối cảnh tình hình biến động càng nhanh, càng phức tạp thì càng phải kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Xử lý hiệu quả mối quan hệ đan xen lợi ích, bảo đảm độc lập tự chủ, không để bị lệ thuộc trong quá trình hội nhập sâu rộng”- ông Định nói.

Chưa phản ánh đầy đủ mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn cho rằng báo cáo của Chính phủ mới tập trung vào những biện pháp cụ thể về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững mà chưa nêu rõ chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô.

Báo cáo cần đánh giá cụ thể hơn về chất lượng, hiệu quả và việc tổ chức triển khai những chính sách, biện pháp về tái cơ cấu nền kinh tế; nêu rõ kết quả cụ thể việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, kết quả giải quyết nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản trong nhiệm kỳ qua; vấn đề thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bảo tồn, phát triển vốn, hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước, khắc phục tham nhũng, lãng phí của các doanh nghiệp này...

[caption id="attachment_135956" align="aligncenter" width="410"] Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (đứng) chỉ ra hàng loạt hạn chế, thiêu sót trong báo cáo của Chính phủ.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (đứng) chỉ ra hàng loạt hạn chế, thiêu sót trong báo cáo của Chính phủ.[/caption]

“Đề nghị bổ sung đánh giá việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thực hiện chủ trương, nghị quyết của Quốc hội về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là kết quả tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; những vấn đề về tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ; kết quả đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công nghiệp tàu biển và phát triển kinh tế biển”- ông Lý nói

Bên cạnh đó, ông Phan Trung Lý đề nghị báo cáo của Chính phủ phải nêu rõ mục tiêu, yêu cầu, thực trạng của việc phát triển kết cấu hạ tầng của nhiệm kỳ này; từ đó làm rõ đã đạt được những mục tiêu gì, tiến độ, chất lượng và năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội đối với từng lĩnh vực.

“Cần nêu lên được những giải pháp và kết quả thực hiện chủ trương đột phá về nguồn nhân lực; làm rõ thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam cũng như sự phát triển của nguồn nhân lực trong 5 năm vừa qua, khả năng đáp ứng, năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời gian tới khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại quốc tế WTO, AFTA, TPP…”- báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Về cải cách hành chính, ông Lý đánh giá trong thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực và bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”; bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh... tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao… gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.

Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân, như trong lĩnh vực thuế, hải quan; đồng thời đã quản lý chặt chi tiêu công, giảm các đoàn đi nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước…

“Tuy nhiên, Báo cáo còn chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tình trạng lãng phí còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu, như việc xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài, mua sắm và sử dụng tài sản công”- ông Lý nhấn mạnh.

Khoảng cách giàu nghèo tăng rất cao, đáng báo động

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đề nghị báo cáo của Chính phủ phải có thêm phần đánh giá về vấn đề xây dựng kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc và hỗ trợ ngư dân thời gian qua như thế nào.

“Rồi trách nhiệm của Chính phủ đối với người dân, vai trò và trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng chính quyền địa phương thế nào, bởi đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo thống nhất từ trung ương tới cơ sở”- ông Hiền nói.

Trong khi đó, cho rằng báo cáo của Chính phủ “còn nhiều vấn đề”, “bề bộn lắm”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước khẳng định khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam ngày càng tăng, thậm chí tăng rất cao.

“Cái này đáng báo động. Khoảng cách này sẽ gây bất ổn xã hội. Từ nước giàu nhất tới nghèo nhất khoảng cách này cao sẽ gây xung đột, bất ổn xã hội. Mặc dù chúng ta làm được xóa đói giảm nghèo, nhưng nghèo của ta là nghèo cùng cực. Hàng năm phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm nghìn tấn gạo để cứu đói. Những người này không có vai trò của nhà nước là khó sống, khả năng tự nuôi sống mình không có, nên mới gọi là nghèo cùng cực. Trong khi đó chính sách của chính ta vẫn mang tính giải quyết tức thời, trong khi lẽ ra phải kích thích nội lực để họ vươn lên hội nhập với phát triển của đất nước”- ông Ksor Phước phân tích.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với tinh thần cầu thị, Chính phủ sẽ tiếp thu cao nhất tất cả những ý kiến đóng góp trên để chỉnh sửa bản báo cáo cho phù hợp, chính xác hơn.

Tại buổi công bố kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện ngày 23/2, ông Yasuzumi Hirotaka - Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM khẳng định môi trường đầu tư của Việt Nam đang xấu đi bất chấp những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua. Bên cạnh đó, những rủi ro trong đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phải đối mặt trong năm 2015 đã tăng lên so với năm 2014; trên 60% doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch, thủ tục hành chính phức tạp; hơn 50% phản ảnh thủ tục thuế chậm chạp...

“Các doanh nghiệp phản ảnh với chúng tôi rằng khi họ bị sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan, thuế hay muốn thúc đẩy tiến độ, thay vì được hướng dẫn để thực hiện lại thì doanh nghiệp được “gợi ý” chi thêm tiền để giải quyết nhanh chóng. Chúng tôi cũng rất đau đầu với tình trạng này nhưng các doanh nghiệp không dám trao đổi cụ thể vì sợ bị đì” - một tờ báo tường thuật lại lời chia sẻ của ông Yasuzumi Hirotaka.

Theo Danviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nguoi-nhat-so-nhat-chi-phi-gam-ban-o-viet-nam-a135955.html