Sách 'Sài Gòn - Chuyện đời của phố' tiếp tục chinh phục độc giả

Nhà báo Phạm Công Luận ra mắt phần tiếp của bộ sách kể chuyện những con người, những ngóc ngách làm nên thành phố phương Nam đậm bản sắc, đầy sức trẻ.

[caption id="attachment_135769" align="aligncenter" width="406"]Bìa sách "Sài Gòn chuyện đời của phố" tập ba. Bìa sách ở bìa một và bìa bốn là tranh vẽ của họa sĩ Phạm Công Tâm - anh ruột của Phạm Công Luận. Bìa sách "Sài Gòn chuyện đời của phố" tập ba. Bìa sách ở bìa một và bìa bốn là tranh vẽ của họa sĩ Phạm Công Tâm - anh ruột của Phạm Công Luận.[/caption]

Sau hai cuốn Sài Gòn - Chuyện đời của phố ra mắt vào năm 2014 và đầu năm 2015, nhà báo Phạm Công Luận tiếp tục ra mắt tập ba. Sách dày hơn 300 trang, góp nhặt các chuyện kể, hình ảnh tư liệu về Sài Gòn. Từng trang sách như chuyến du hành ngược dòng thời gian, đưa độc giả về những nẻo đường Sài Gòn xưa.

Theo tác giả: "Những người di dân đến Sài Gòn luôn phát hiện những điều thú vị mà người sống ở đô thị này từ nhỏ đến lớn cũng không nhận ra được". Vì thế, độc giả có thể tìm thấy Sài Gòn hoa lệ trong mắt người miền Trung cách đây hơn 70 năm trước như: "... nhà cửa phố xá đông nghẹt, có nhà lầu cao ba tầng, có đường đi rộng rãi ba thước, trên bộ xe hơi chạy boong boong, dưới nước tàu thủy chạy vù vù, tối về đèn điện thắp sáng choang như ban ngày, ông Tây bà đầm ôm nhau đăng-xê coi vui mắt quá chừng. Thật là văn minh quá sức tưởng tượng của dân An nam ta...".

Hay đó là một thành phố qua miêu tả của họa sĩ ký họa kiêm phóng viên Mỹ - Dick Adair - về đời sống Sài Gòn: "giặt đồ, nghe radio và mùi nước mắm đang xào nấu trên bếp", trong khi bên kia sông máy bay đang nã đạn.

Tỉ mẩn làm công việc sưu tầm, ghi chép những câu chuyện về đời sống Sài Gòn, Phạm Công Luận không nhận mình là người nghiên cứu. Anh chỉ đơn giản muốn là một người kể chuyện. Quan sát, lắng nghe, góp nhặt và biết được chuyện nào hay, thú vị thì kể lại cho mọi người. Anh tìm tòi hình ảnh về Sài Gòn trong đống ảnh xưa bị cân ký bán ve chai. Anh tìm về Sài Gòn qua một chiếc thẻ siêu thị cũ kỹ của người họ hàng, để từ đó hình dung về một siêu thị đầu tiên ở Sài Gòn. Anh góp nhặt từng bức ảnh chụp chân dung nghệ sĩ xưa khi làm quen được với ông Đinh Tiến Mậu - chủ hiệu ảnh Viễn Kính nổi tiếng.

Chỗ nào ở Sài Gòn là quán bán món cơm Việt lần đầu tiên? Đâu là phòng trà đầu tiên của thành phố này? Từng câu chuyện như những mảnh ghép nhỏ làm nên bức tranh khảm lớn về một thành phố hội nhập và đa dạng.

[caption id="attachment_135766" align="aligncenter" width="298"] Nhà báo Phạm Công Luận - tác giả loạt sách "Sài Gòn - chuyện đời của phố".
Nhà báo Phạm Công Luận - tác giả loạt sách "Sài Gòn - chuyện đời của phố".[/caption]

Phạm Công Luận xem việc viết sách là một cách để lưu giữ ký ức về đô thị. Như lời anh chia sẻ, nếu đô thị không có ký ức thì: "cũng như một con người không nhớ gì về nơi mình sinh ra, lớn lên và cách mình trưởng thành ra sao. Nếu vậy, sẽ không biết cách đánh giá đúng các giá trị để chọn lọc, giữ gìn và truyền lưu". Với anh, viết sách còn là để cho chính các con mình - những công dân nhỏ của Sài Gòn hiện tại. Sau này khi con lớn, chúng có thể hiểu được, cảm được hồn phố thị nơi mảnh đất chúng sinh ra. Mà có yêu và hiểu thì mỗi công dân mới gắn bó máu thịt với mảnh đất của mình.

Loạt sách của tác giả này được độc giả dành khá nhiều sự ủng hộ, quan tâm và chia sẻ. Vừa qua, trong buổi giao lưu ở đường sách Nguyễn Văn Bình, TP HCM, một độc giả còn gợi ý anh tìm hiểu thêm về các phương tiện giao thông xưa từng lưu hành ở Sài Gòn, trong đó có chiếc xích lô máy một thời gắn với sinh hoạt lao động của người Sài Gòn. Phạm Công Luận tiếp nhận mọi ý kiến, góp ý từ bạn đọc để nuôi nguồn cảm hứng cho các trang viết mới.

Theo Vnexpress

Link nội dung: https://phaply.net.vn/sach-sai-gon-chuyen-doi-cua-pho-tiep-tuc-chinh-phuc-doc-gia-a135765.html