Bánh chưng thời niên thiếu

(Pháp  lý) - Đã nhiều năm qua đi, tôi còn nhớ như in những ngày Tết ấm áp xum vầy dưới mái tranh nghèo. Tuy vất vả quanh năm, nhưng bố mẹ tôi vẫn chuẩn bị cho ba ngày Tết chu đáo. Nếp cái hoa vàng được mẹ cẩn thận để dành từ khi vụ mùa vừa thu hoạch. Đó là thứ gạo thơm, sau khi say sát có màu trắng nõn. Đỗ xanh mẹ mua trước vài tháng.

image001

Từ hai mươi tháng Chạp trở đi, xóm làng nhộn nhịp hẳn lên, ở những phiên chợ quê đã thấy bày bán đủ thứ thực phẩm phục vụ Tết. Những chiếc xe cải tiến, xe thồ chở lá dong xanh bày bán la liệt, riêng một góc chợ. Gần như năm nào cũng vậy, mẹ thường mua hai loại lá dong. Một loại to, dài rộng. Một loại nhỏ hơn. Cuống lá chưa héo tóp là loại lá dong mới cắt chưa lâu. Lá dong to rộng vốn được chuyên chở từ trên miền rừng về, dùng để gói bánh chưng loại dài (còn gọi là bánh tày). Còn loại nhỏ hơn nhưng cuống lại dài, thường được thu hái ở những bãi ven sông, để gói bánh chưng vuông.

Bọn trẻ chúng tôi thường lẩm nhẩm tính, mong chóng đến ngày được tham gia gói bánh chưng, được đi chúc Tết… Trước Tết hai, ba ngày, khắp nơi trên cầu ao hay bên giếng làng, đâu đâu ta cũng bắt gặp người ngồi rửa lá dong. Dưới làn nước trong vắt, những phiến lá xanh mướt được cọ rửa cẩn thận. Tiết trời rét buốt của ngày cuối mùa đông khiến đôi chân, đôi tay thiếu nữ dầm trong làn nước lạnh buốt, trở nên hồng rực. Khoảng 28 hay 29 Tết, gạo nếp đỗ xanh đã ngâm nước, được đãi cẩn thận. Sáng sớm tinh mơ tôi đã thức giấc để kịp phụ giúp bố gói bánh chưng.

Bên cạnh bố là vài ba chiếc bánh vừa mới được gói và rá gạo trắng tinh đầy ắp, rá đỗ vàng ươm, lá dong xanh mướt để trên chiếc sàng, thịt lợn ba chỉ trộn hạt tiêu thơm phức đựng trong bát ô tô. Bố không quên gói riêng cho anh chị em tôi mỗi đứa một chiếc “bánh cua”. Đó là loại bánh dài, giống như bánh tày nhưng be bé xinh xinh, được gói riêng bởi lạt giang nhuộm màu hồng.

Những chiếc bánh cuối cùng được gói xong, bố bắc bếp nhóm lửa. Ở góc sân gần gốc cây ổi, chiếc nồi được bắc lên đặt trên ba hòn đá to. Những chiếc bánh dài xếp trước, sau khi bố đặt mấy cuống lá dong “lót nồi”. Như thế bánh chưng sẽ không bị “cháy”, vì không trực tiếp tiếp xúc với đáy nồi. Củi đun bánh là những chiếc gộc tre cong queo, sần sùi với nhiều hình dáng đã được phơi dưới nắng cho khô nỏ. Trong trí tưởng tượng của tôi khi ấy, những gộc tre có cái giống sừng trâu, khi chúng cúi gằm húc nhau; có cái như chiếc liềm cắt cỏ, có cái giống như bàn chải chuyên dùng để giặt chiếu… Trong bếp lửa hồng, tiếng củi khô cháy tí tách như thúc giục bánh chưng mau chín.

Chẳng mấy chốc nồi bánh đã sôi lên ùng ục. Thoảng trong làn hơi và khói đã thấy mùi thơm phảng phất. Thế rồi giây phút mong đợi đã đến. Những chiếc bánh đang được từ từ vớt ra, từ nồi nước sôi đã được rút củi lửa trong bếp.

Bánh chưng vuông còn nóng hổi được mẹ dùng khăn sạch thấm khô, xếp liền nhau. Bên trên đặt tấm gỗ, bên trên nữa đặt mấy viên gạch đè lên, nén cho chặt, thế bánh mới rền. Những chiếc bánh chưng dài (cũng được lau khô) mẹ treo lên góc nhà.

Bánh chưng không chỉ là món ăn ngon, còn là biểu tượng của thành quả lao động vất vả; từ cấy trồng, chăm sóc, gặt hái rồi chế biến thành những chiếc bánh quý giá, đặt lên ban thờ tổ tiên chiều ba mươi Tết.

LƯƠNG SƠN

Link nội dung: https://phaply.net.vn/banh-chung-thoi-nien-thieu-a135504.html