(Phap ly) - Trong suốt 5 năm qua, hẳn những ai theo dõi các kỳ họp Quốc hội khoá XIII đều rất ấn tượng với những phát ngôn, những chất vấn “một lòng vì dân” của vị Đại biểu QH có gương mặt phúc hậu - luật sư Trương Trọng Nghĩa. Trong số 500 ĐBQH khoá XIII, ông là ĐBQH duy nhất đang hành nghề Luật sư và là thành viên Hội luật gia TP. HCM.
[caption id="attachment_135312" align="aligncenter" width="410"] Vững vàng trong chuyên môn và luôn hết mình trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, Luật sư Trương Trọng Nghĩa liên tục đứng đầu trong bảng xếp hạng do các tổ chức uy tín bình chọn[/caption]
Có lẽ, không ít Luật sư Việt Nam từng theo học tại các quốc gia phương Tây, nhưng tôi vẫn cứ ấn tượng với con đường pháp lý mà luật sư Trương Trọng Nghĩa đã chọn và đang đi.
Vị luật sư trưởng thành cùng dân tộc
Ông tốt nghiệp cử nhân Luật tại CHDC Đức vào năm 1980, về nước đúng vào thời điểm nước nhà mới thống nhất, định hướng xây dựng đất nước theo con đường XHCN mới được thông qua. Công tác được gần 15 năm, ông Nghĩa lại tiếp tục được cử đi Hoa Kỳ học thạc sĩ Luật.
Là thế hệ luật sư được đào tạo bài bản ở nước ngoài, ông Nghĩa có cái nhìn sâu rộng về cả một quá trình hội nhập cũng như hội nhập pháp luật của đất nước. Luật sư Nghĩa chia sẻ: Vào thời tôi đi học luật ở Hoa Kỳ, năm 1994, VN mới chuyển sang kinh tế thị trường được 8 năm, chỉ mới bắt đầu phát triển kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài. VN lúc đó chưa gia nhập ASEAN, APEC, WTO, nghĩa là hoàn toàn chưa hội nhập với khu vực và quốc tế. Hiến pháp 1992 của VN lần đầu tiên công nhận kinh tế tư bản tư nhân và quyền tự do kinh doanh, nhưng về thể chế chính trị và pháp lý thì vẫn chưa công nhận “nhà nước pháp quyền”, chưa chấp nhận sự phân công giữa “lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Trong bối cảnh đó, có sự khác biệt rất lớn giữa VN và các nước phương Tây trong xây dựng và thực thi pháp luật…
Là Đại biểu duy nhất đang hành nghề Luật sư, tại Quốc hội, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã có nhiều ý kiến được tiếp thu trong những đạo luật lớn như Hiến pháp 2013, các bộ luật Dân sự, Hình sự, Tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự, Luật Biển và một số luật khác.
30 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, VN đã chuyển mạnh sang kinh tế thị trường với định hướng XHCN. Trong nước đã có những chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về chính trị, kinh tế, xã hội. Với bên ngoài, VN đã hội nhập sâu rộng với thế giới, đã tham gia hầu hết các khối liên kết kinh tế của khu vực, bắc – nam, nam – nam, đông – tây và toàn cầu, trở thành là thành viên có trách nhiệm và tin cậy của cộng đồng quốc tế. Với Hiến pháp 2013, VN đã khẳng định quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền, quy định rõ sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thuộc ba nhánh quyền lực nhà nước lập pháp – hành pháp – tư pháp, quy định tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, quy định tranh tụng là nguyên tắc bắt buộc và bản án phải ban hành dựa trên kết quả tranh tụng tại tòa. Hiến pháp 2013 quy định quyền con người độc lập với quyền công dân và chỉ bị hạn chế bằng luật, đồng thời quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc “cộng nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm” các quyền đó. Tóm lại, qua 30 năm Đổi mới, VN chẳng những đã thu hẹp khoảng cách về kinh tế và mức sống với thế giới, mà còn có những bước tiến mạnh mẽ trong việc tiếp cận và hội nhập với thế giới về xây dựng và thực thi pháp luật.
Nhìn nhận rõ ràng những điều này có ý nghĩa to lớn với ông trong suốt quá trình làm việc bao gồm làm trọng tài viên, bào chữa viên rồi Luật sư và Đại biểu Quốc hội.
Người kết nối luật Việt với Doanh nhân Quốc tế
[caption id="attachment_135313" align="aligncenter" width="410"] Tại Nghị trường, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa là một trong những đại biểu
dám nói thẳng, nói thật[/caption]
35 năm làm việc trong ngành luật nhưng ông Nghĩa chỉ chính thức hành nghề Luật sư từ năm 1998. Từ đó đến nay là 17 năm. Luật sư Nghĩa đã “gặt hái” được không ít thành công trong nghề. Hiện nay, không những là một trong các luật sư chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực tranh tụng của YKVN, Luật sư Trương Trọng Nghĩa còn thường xuyên tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như VNPT, Tổng Công Ty Thép Việt Nam, BIDV, Saigon Petro, Satra, Sovico and Saigon Coop. Đặc biệt LS Nghĩa còn tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài như Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu (EIB), Richmond Group and AGS, Exxon Mobil, American Coffee, Bachy Soletance, Planergo, Pico, P&G, Metro Cash & Carry, RMIT, Academic Colleges Group, Standard Chartered Bank, Indochina Capital. Qua những chương trình tư vấn của mình, Luật sư Trương Trọng Nghĩa đã giúp nhiều doanh nghiệp nước ngoài hiểu hơn về pháp luật Việt Nam đồng thời cũng đưa pháp luật Việt Nam ra gần hơn với thế giới.
Nhìn lại cả nhiệm kỳ 5 năm làm Đại biểu dân cử, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tự kiểm điểm: “Tôi thấy mình đã cố gắng rất cao, dùng hết năng lực và kiến thức để thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Tuy nhiên,tôi không nghĩ rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ, bởi vì còn rất nhiều vấn đề tồn tại gây khó khăn cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của cử tri chưa được phản ánh đầy đủ, nhiều kiến nghị, khiếu nại của cử tri chưa được giải quyết thấu đáo, thậm chí bị kéo dài nhiều năm, làm người dân rất thất vọng, thậm chí mất niềm tin vào nhà nước”.
Năm 2009 - 2010, Tạp chí Legal 500 từng đề cử ông là Luật sư hàng đầu trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp; giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, ông cũng liên tục đứng đầu trong bảng xếp hạng các Luật sư giải quyết tranh chấp do tổ chức Chambers & Partners bình bầu. Legal 500 và Chambers & Partners là hai trong số ít tổ chức xếp hạng thực sự uy tín với cách tuyển chọn kỹ lưỡng và có kiểm chứng khách quan. Việc Luật sư Trương Trọng Nghĩa và công ty của ông liên tục đứng đầu bảng xếp hạng do các tổ chức này bình chọn đã đem đến những tiếng vang không nhỏ cho giới luật gia Việt Nam nói chung và cho các luật sư trong nước nói riêng.
Chia sẻ những suy nghĩ về các giải thưởng danh giá này, Luật sư Nghĩa nói: “Được xếp hạng là vinh dự vì như vậy bản thân đã được công nhận về năng lực hành nghề qua công việc cụ thể và bằng những phương cách khách quan, khoa học. Tuy nhiên, luật sư là một nghề cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Năm nay anh đứng hạng nhất, năm sau có thể tụt xuống hạng 2,3. Do đó, vinh dự cũng đi kèm với sức ép của việc duy trì thứ hạng. Phải luôn học hỏi, nghiên cứu và chu đáo, sáng tạo trong công việc”. Tuy nhận được những giải thưởng danh giá đó nhưng ông cũng có những tiêu chí của riêng mình, theo ông, trong nghề luật sư, khách hàng là những “người xếp hạng” quan trọng nhất, có nhiều khách hàng tín nhiệm và giao việc cho mình thì đó chính là sự xếp hạng có giá trị nhất.
Ông quan niệm: Đã ngoài 60 tuổi, đã trải qua bom đạn, đói khát của thời chiến, trải qua mấy thập kỷ kinh tế thị trường mà đồng tiền và lợi nhuận là động lực chủ yếu, chứng kiến bao cảnh “lên voi, xuống chó”, “quả báo nhãn tiền”, tôi nghiệm rằng “ác giả ác báo, thiện giả thiện lai” là quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội, phải ráng sống tử tế, yêu thương gia đình, tốt bụng với bạn bè, đồng nghiệp.
Vẫn biết nước có vận, người có mệnh, nhưng ông bà ta thường dạy: “đức năng” có thể “thắng số”...
“Với tôi, lợi ích của nhân dân là trên hết!”
Tại Nghị trường Quốc hội khóa XIII vừa rồi, trong số 500 đại biểu, ông Trương Trọng Nghĩa là người duy nhất hiện đang hành nghề luật sư. Được Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh tin tưởng và tín nhiệm đề cử giới thiệu QH bầu ĐBQH, song khi ấy, ông cũng trăn trở nhiều bởi làm ĐBQH nghĩa là phải dành ít nhất 30% thời gian của mình cho nhiệm vụ dân cử, chưa kể các nghĩa vụ khác. Qua tranh thủ ý kiến của người bạn đời - một Phó Giám đốc Sở đã nghỉ hưu, cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp, ông đã đồng ý trở thành ứng cử viên của Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, chấp nhận gánh lên vai trách nhiệm nặng nề của một ĐBQH với mong muốn được giúp đỡ những người dân còn nhiều yếu thế.
[caption id="attachment_135315" align="aligncenter" width="309"]
Nhiều cử tri mong mỏi “Giá như tại Nghị trường có nhiều đại biểu như ông Nghĩa!”[/caption]
Chia sẻ về mối liên hệ giữa nghề luật sư và trọng trách của một ĐBQH, vị đại biểu dân cử này nói: Nghề luật sư tạo điều kiện cho tôi vận dụng pháp luật trực tiếp trong công việc của mình, qua đó biết được những điểm bất cập, chưa hợp lý hay còn thiếu trong hệ thống pháp luật hiện hành. Nói cách khác, nghề luật sư giúp tôi cảm nhận được tác động của pháp luật trong thực tiễn cuộc sống. Nhờ vậy, khi tham gia công tác lập pháp, tôi có thể đóng góp những kiến nghị, đề xuất đáp ứng yêu cầu của đời sống, không xa lạ với nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân.
Thật vậy, theo dõi các kỳ họp Quốc hội, có thể thấy, vị luật sư kiêm đại biểu dân cử này đã có không ít ý kiến góp ý và được tiếp thu trong những đạo luật lớn như Hiến pháp 2013, các bộ luật Dân sự, Hình sự, Tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự, Luật Biển và một số luật khác.
Không chỉ đóng góp các ý kiến khi xây dựng các chính sách pháp luật mà tại Quốc hội, đại diện cho hàng triệu cử tri cả nước, ông còn mạnh dạn đánh giá và xây dựng những chính sách đối nội, đối ngoại hết sức sắc sảo, khôn khéo. Mới đây, trong kỳ họp thứ 10, QH khoá XIII, ông đã thẳng thắn lên tiếng về sự lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc và tại phiên họp đó, ông đã đặt ra hàng loạt câu hỏi khiến nhiều đại biểu phải giật mình: Một nước có tiềm năng nông nghiệp lớn như Việt Nam mà lại phải nhập khẩu nông sản, nguyên liệu thực phẩm lớn từ Trung Quốc, kể cả rau quả và trứng gà? Chúng ta vẫn còn quyền tổ chức đấu thầu và chấm thầu thì tại sao lại để lọt những nhà thầu kém năng lực, có ngành chiếm đến 80-90% số lượng dự án? Tại sao thương nhân Trung Quốc có thể bằng visa du lịch đến tận miền Tây Nam Bộ thu mua nông sản, làm lũng đoạn thị trường? Tại sao buôn lậu, thực phẩm chất lượng kém vẫn ồ ạt tràn qua biên giới theo đường tiểu ngạch? Những câu hỏi ông đặt ra không chỉ là những trăn trở, những đau đáu từ lâu của vị đại biểu tâm huyết mà còn là bức xúc của hàng triệu cử tri.
Trong buổi trao đổi với ông, tôi đã thắc mắc: Là Phó Chủ tịch LĐLSVN, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh và là một đại biểu dân cử nhưng vẫn hành nghề luật sư và tham gia làm trọng tài trong nhiều vụ tranh chấp, động lực nào để cùng một lúc ông có thể hoàn thành tốt nhiều vai trò như vậy? Ông trả lời tôi thế này: Ai cũng làm việc vì lợi ích, bởi lợi ích là động lực của cuộc sống. Lợi ích thì có lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, có lợi ích của mình và lợi ích của người khác, lợi ích của cá nhân, của đoàn thể, của nhân dân, của đất nước. Tôi làm luật sư và trọng tài để có thu nhập, đó là vì lợi ích riêng và cá nhân. Tham gia lãnh đạo tổ chức luật sư là vì lợi ích của đoàn thể của mình và đồng nghiệp của mình. Làm đại biểu dân cử là vì lợi ích của dân, của nước. Sẽ có câu hỏi: nếu các lợi ích ấy mâu thuẫn với nhau thì sao? Tôi quan niệm, nếu anh là lãnh đạo đoàn thể thì phải đặt lợi ích đoàn thể lên trên, nếu là ĐBQH thì phải đặt lợi ích của dân, của nước lên trên lợi ích riêng. Nếu không làm tốt được nhiều việc một lúc thì đừng ôm đồm; nếu không dám đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng thì đừng nhận cương vị lãnh đạo đoàn thể, đừng ứng cử vào Quốc hội…
Một nhiệm kì Quốc hội đã khép lại chuẩn bị cho nhiệm kì mới, Luật sư Nghĩa lại trở về với công việc ngày thường. Chưa biết nhiệm kỳ tới, ông có tiếp tục đứng tại Nghị trường để nói tiếng nói của hàng nghìn, hàng triệu người dân cả nước hay không, chỉ biết rằng, dù ở cương vị nào, con người ấy, trái tim ấy cũng sẽ hướng về nhân dân, bảo vệ nhân dân. Tôi đúc rút những điều ấy vì thấy và chứng kiến những gì ông hoạt động cho Quốc hội, cho dân.
HUYỀN ANH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-gia-luat-su-dai-bieu-qh-truong-trong-nghia-nguoi-ket-noi-luat-viet-voi-doanh-nhan-quoc-te-a135311.html