Ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng "Cái Tết của mèo con" vẫn được nhớ đến như một câu chuyện đồng thoại thú vị cho thiếu nhi mỗi mùa xuân về.
Nguyễn Đình Thi là một con người đa tài. Sự nghiệp của ông trải rộng nhiều thể loại như: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhạc, kịch nói và cả tiểu luận phê bình. Có một mảng sáng tác mà Nguyễn Đình Thi không đi sâu khai phá nhưng chỉ với 1 tác phẩm duy nhất, ông đã dành được tình cảm của rất nhiều thế hệ bạn đọc. Đó là tác phẩm đồng thoại thiếu nhi Cái Tết của mèo con xuất bản lần đầu năm 1961.
Cái Tết của mèo con là câu chuyện về cái tết đầu tiên của mèo Miu ở ngôi nhà mới sau chiến công đánh bại chuột cống gian ác. Từ một con mèo con ban đầu còn run bần bật khi nhìn thấy chuột cống, Miu đã vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để đánh bại chuột cống gian manh. Chú mèo con đã hưởng một cái Tết trọn vẹn với niềm vui trưởng thành.
Ít người biết rằng, Cái Tết của mèo con được lấy cảm hứng từ chính... cái tết đoàn viên của Nguyễn Đình Thi. Do chiến tranh khốc liệt và điều kiện công tác bận bịu nên nhà văn thường xuyên phải sống xa các con. Nguyễn Đình Thi sống ở Hà Nội để tiện công tác, còn hai con của ông là Đình Chính và Thùy Như lại sống ở Hải Phòng cùng bà nội.
Đầu năm 1961, nhà văn mới có cơ hội hiếm hoi thu xếp về Hải Phòng ăn tết cùng mẹ và hai con. Bấy giờ, gia đình Nguyễn Đình Thi cũng có nuôi một chú mèo tam thể, cô con gái Thùy Như của nhà văn khi ấy cũng là cô bé rất yêu quý mèo. Chính điều này đã tạo cảm hứng cho nhà văn viết nên câu chuyện đồng thoại ngộ nghĩnh cho thiếu nhi. Nó như một món quà ông dành tặng các con.
[caption id="attachment_135267" align="aligncenter" width="320"] "Cái Tết của mèo con" đã được truyển thể thành truyện tranh và phim hoạt hình.[/caption]
Theo lời nhà văn Nguyễn Đình Chính - con trai cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, cha ông viết câu chuyện này trong vỏn vẹn có 2 ngày. Sau khi viết xong, ông đã đọc cho các con nghe. Hai anh em Đình Chính và Thùy Như rất thích thú. Vài tháng sau, Cái Tết của mèo con được NXB Kim Đồng xuất bản lần đầu tiên. Sau đó, tác phẩm còn được họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẽ minh họa, chuyển thể thành truyện tranh. Đầu năm 1965, cũng chính họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã chuyển thể Cái Tết của mèo con thành phim hoạt hình đen trắng với tựa Mèo con. Bộ phim cũng đã nhận được một số giải thưởng quốc tế.
Cùng với Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài và Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công của Vũ Tú Nam, Cái Tết của mèo con là một trong những tác phẩm thiếu nhi dân dã, gần gũi, mang đậm dấu ấn của làng quê Việt Nam. Đọc tác phẩm, các bạn nhỏ sẽ được thấy khung cảnh của làng quê miền Bắc những năm 1960, với ngôi nhà ba gian, nồi đồng, chổi rơm, bờ ao, cây cau, giàn mướp… Những hình ảnh xưa kia rất quen thuộc ấy, ngày nay đã trở nên hiếm hoi.
Là một người cha giàu tình cảm, nhưng do điều kiện công tác không cho phép nên Nguyễn Đình Thi ít có cơ hội ở bên các con thường xuyên. Cái Tết năm 1961 ấy, là lần hiếm hoi ông được ăn tết bên con thơ. Có lẽ ông đã viết Cái Tết của Mèo con không chỉ bằng rung cảm nghệ thuật của một nhà văn. Đó còn là tình cảm của một người cha khi được nhìn thấy nụ cười của những đứa con yêu quý. Chính tình cảm ấy đã tạo nên sức sống bền bỉ của tác phẩm trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc trong suốt 65 năm qua.
Theo Zing
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nguyen-dinh-thi-va-cai-tet-am-ap-cua-meo-con-a135266.html