Năm Thân nói chuyện khỉ: Các bộ phim về khỉ của Mỹ và Trung Quốc

(Phap ly) - Các bộ phim có đề tài về khỉ của Mỹ có số lượng nhiều hơn, phong phú hơn Trung Quốc. Trong khi khán giả ở Việt Nam hầu như chỉ biết về đề tài này của Trung Quốc qua bộ phim “Tây Du Ký” thì điện ảnh Mỹ lại “trình làng” nhiều phim hấp dẫn như “King Kong”, “Tarzan”, series phim về sự nổi dậy của loài khỉ… Mỹ cũng là quốc gia tiên phong làm bộ phim về khỉ. Đó là phim “King Kong” năm 1933.

[caption id="attachment_135244" align="aligncenter" width="410"]Phim “Tây Du Ký” năm 1986 của Trung Quốc thu hút nhiều thế hệ người xem ở Việt Nam. Phim “Tây Du Ký” năm 1986 của Trung Quốc thu hút nhiều thế hệ người xem ở Việt Nam.[/caption]

Bộ phim “Tây Du Ký” của Trung Quốc lôi cuốn nhiều thế hệ Việt Nam. Nhưng bộ phim này không đề cập một mình nhân vật Tôn Ngộ Không, một con khỉ đá (Thạch Hầu) mà là chuyện cả bốn thầy trò Đường Tăng tới Tây Thiên thỉnh kinh. Trong khi đó, điện ảnh Mỹ lại thiên về nhân vật chính là những chú khỉ. Đậm nét nhất là phim “King Kong” và series phim về sự nổi dậy của loài khỉ đang gây sốt hiện nay.

Mặt khác, khởi đầu từ năm 1933 với phim “King Kong”, điện ảnh Mỹ đã không ngừng làm mới và phong phú hơn về đề tài khỉ, biến các con khỉ thành… vận động viên, phù thủy, đồng lõa trong một vụ trộm, công cụ của bọn buôn ma túy… như  “The Wizard of Oz” (1939), “2001: A Space Odyssey” (1968), “Every Which Way But Loose” (1978), “Raiders of the Lost Ark” (1981), “Max mon amour” (1986), “Gorillas in the Mist” (1988), “Ed” (1996), “Dunston Checks In” (1996), “Instinct” (1999), “The Hangover Part II” (2011)… thì Trung Quốc hầu như chỉ đóng đi đóng lại phim “Tây Du Ký”, chỉ là thay đổi đạo điễn; dàn diễn viên; thêm, bớt cốt truyện. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có phiên bản điện ảnh, truyền hình nào khác vượt qua phiên bản năm 1986. Bộ phim “Tây Du Ký” ra đời trong hoàn cảnh khó khăn do được sản xuất vào thập kỉ 1980 thời mà kĩ xảo điện ảnh còn thô sơ lạc hậu. Vốn đầu tư 6 triệu nhân dân tệ tuy là một khoản tiền rất lớn nhưng cũng không đủ trang trải cho toàn bộ phim, các diễn viên cũng chỉ nhận được thù lao tượng trưng, ít ỏi. Phim được làm trong 6 năm trời ròng rã từ năm 1982 đến năm 1988 hoàn thành. Năm 1986 bộ phim chính thức trình chiếu cho khán giả cho đến năm 1988, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV mới phát sóng trọn bộ phim 25 tập. Ở Việt Nam, hầu hết các đài truyền hình đều ít nhất trình chiếu một lần. Có đài phát sóng đến gần 10 lần và trình chiếu đi và chiếu lại suốt nhiều năm liền. Có thể nói, bản phim Tây Du Kí 1986 đã sống mãi với thời gian và ăn sâu trong kí ức của nhiều thế hệ khán giả.

Trong đó, diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng được đánh giá là đã xuất sắc nhập vai Tôn Ngộ Không. Bởi lẽ diễn viên sinh năm 1959 tại Thượng Hải (Trung Quốc) này là con trong một gia đình đã có tới 4 đời cha truyền con nối đóng thành công vai Tôn Ngộ Không. Năm 1987, Lục Tiểu Linh Đồng đã nhờ vai Tôn Ngộ Không chinh phục khán giả và ban giám khảo các cuộc liên hoan phim truyền hình, đoạt Giải đặc biệt – Liên hoan phim Phi Ưng; “Nam diễn viên xuất sắc” – LHP Kim Ưng lần thứ 6; Giải nhất “10 ngôi sao điện ảnh, truyền hình Trung Quốc” lần thứ 1. Chính vì vậy vào năm 1998, Lục Tiểu Linh Đồng lại tiếp tục cùng đoàn làm phim “Tây Du Ký” đóng tiếp phần II với 16 tập lúc đã 39 tuổi. Còn các diễn viên khác vào vai Tôn Ngộ Không hầu như chỉ để diễn… hài. Như Châu Tinh Trì trong “Tây Du ký: Đệ nhất bách linh nhất hồi chi Nguyệt quang bảo hạp” (1994), “Tây Du ký: Đại kết cục chi Tiên lý kỳ duyên” (1994); như Trương Vệ Kiện trong “Tây Du Ký: Journey To The West” (1996) của Đài TVB Hồng Công... Càng về sau, phim “Tây Du Ký” càng hài, càng nhảm, càng sến do là phim chiếu rạp, phim Tết, dạng “mì ăn liền”. Chẳng hạn “Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện” (2013) với nhân vật Tôn Ngộ Không giống một người ốm đói vì bị thiếu ăn hơn là giống khỉ, “Tây Du Ký lạ truyện: Kiếp nạn thứ 82” (2016) với Tôn Ngộ Không như một người đàn ông “lai phương Tây” hoặc một con sư tử bờm vàng chứ không giống… khỉ chút nào. Tuy vậy, “Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện” (2013) lại thu về 1,273 tỷ nhân dân tệ (khoảng 197 triệu USD), trở thành tác phẩm điện ảnh Hoa ngữ ăn khách nhất. Còn “Tây Du Ký lạ truyện: Kiếp nạn thứ 82” mới phát hành đầu năm 2016 lại đang dẫn đầu phòng vé quốc tế với 17 triệu USD. Những thành công đột biến luôn đi kèm những đánh giá, bình luận trái chiều. Chẳng hạn, “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện” tuy hút khán giả vào rạp nhưng đã phải đón nhận không ít lời phê bình từ giới chuyên môn. Sau khi xem phim, đạo diễn vừa đoạt giải Oscar Lý An cho rằng sức hấp dẫn của “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện” chính nhờ vào những sáng tạo “không đụng hàng” của Châu Tinh Trì, song đó là “sự sáng tạo của trẻ con, thích gì làm nấy, muốn gì nói nấy”. Còn đối với “Tây Du Ký lạ truyện: Kiếp nạn thứ 82”, các nhà phê bình điện ảnh Trung Quốc nghiêm khắc cho rằng: “Tây du ký lạ truyện gây cười nhưng nhạt”. Theo họ, điểm trừ của phim là tình tiết kéo dài, khiến mạch phim bị rời rạc. “Nếu là thời lượng phim truyền hình, các nhà làm phim sẽ nghĩ ra nhiều phương án xử lý hơn. Nhưng với một dự án điện ảnh, thời lượng có hạn, việc tham chi tiết vô tình khiến phim bị đẩy lên cao trào nhưng xử lý chưa chiều sâu. Một điểm trừ nữa là dàn diễn viên không tạo được dấu ấn đáng kể, ngoài nhiệm vụ gây cười” – trang Sina trích lời một nhà phê bình.

[caption id="attachment_135243" align="aligncenter" width="410"]Bộ phim “King Kong” làm năm 1933 là bộ phim về khỉ đầu tiên của thế giới do Mỹ sản xuất. Bộ phim “King Kong” làm năm 1933 là bộ phim về khỉ đầu tiên của thế giới do Mỹ sản xuất.[/caption]

Trong khi đó, phim “King Kong” 2005 của Mỹ là bộ phim đạt doanh thu phòng vé nội địa và toàn cầu là 550 triệu đôla, trở thành bộ phim có doanh thu phòng vé cao thứ tư trong lịch sử hãng Universal Pictures. Đồng thời bộ phim cũng đã thu về 100 triệu đôla tiền bán đĩa DVD. Bộ phim được đề cử bốn giải Oscar và thắng ba trong số đó là Biên tập âm thanh xuất sắc nhất, Hòa âm hay nhất và Kỹ xảo điện ảnh xuất sắc nhất.

Nhìn các chú khỉ của điện ảnh Mỹ, chúng ta có thể nhận ra là chúng thiên về sự khổng lồ trong thể xác (King Kong), về sự đột biến và có trí khôn như người (series phim về sự nổi dậy của loài khỉ), về việc khỉ dần thay thế con người do con người bị dần diệt vong hoặc bị thui chột trí khôn và biến thành người tiền sử (series phim về sự nổi dậy của loài khỉ). Trong khi đó, với bộ phim “Tây Du Ký”, nhân vật Tôn Ngộ Không lại thiên về màu sắc huyền thoại, có sự thần thông quảng đại. Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký là con Thạch Hầu, tức là con khỉ đá. Nhưng đá ở đây là đá vá trời do Nữ Oa luyện mà thành. Vì hấp thụ nhật nguyệt tinh hoa nên sinh ra một bào thai. Đến ngày nhật nguyện giao thoa thì con khỉ nứt từ trong đá ra. Thạch Hầu tính nóng, thân hình khổng lồ nên đã gây tai họa cho dân lành. May nhờ Thiên Bồng nguyên soái vô tình chặt được đuôi nên mới thu nhỏ thành một con khỉ với vóc dáng bình thường. Thiên Bồng nguyên soái định hạ sát Thạch Hầu nhưng có Phật Bà Quan Thế Âm tới xin tha nên đã tha mạng. Sau này Thạch Hầu làm Mỹ Hầu Vương của Thủy Liêm Động, nơi có một bầy khỉ rất đông đảo. Mỹ Hầu Vương từ Đông Thắng Thần Châu, đi qua Nam Thiên Bộ Châu, cuối cùng tìm được sự phụ là Tu Bồ Đề Tổ Sư ở Tây Ngưu Hạ Châu. Vị sư phụ đầu tiên này đã đặt cho Mỹ Hầu Vương là Tôn Ngộ Không và dạy cho 72 phép biến hóa, trở nên bất tử. Tuy nhiên, vấn đề dạy nhân cách không được đề cập đến nên Tôn Ngộ Không sau này đã đại náo thủy cung, diêm cung, thiên cung, và tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh.

Trong khi đó, nhân vật Caesar của series phim về sự nổi dậy của loài khỉ hiện nay (phần 1: Sự nổi dậy của loài khỉ “Rise of the Planet of the Apes” năm 2011, phần 2: Sự khởi đầu của hành tinh khỉ “Dawn of the Planet of the Apes” năm 2014) đã từ một chú khỉ bình thường biến thành một chú khỉ với trí thông minh như con người sau khi được tiêm loại thuốc ALZ-113. Caesar đã dùng trí thông minh của mình để giải cứu và giúp những con khỉ khác trong chuồng thú hoặc phòng thí nghiệm có được trí tuệ loài người. Trở thành thủ lĩnh của bầy khỉ, Caesar lãnh đạo bầy đàn của mình thoát khỏi San Francisco tới cư ngụ tại khu rừng Muir. Tại đây, bầy khỉ do Caesar cầm đầu đã xây dựng một xã hội giống y đúc xã hội loài người nguyên thủy. Còn loài người thì bị một chứng bệnh chết người do loại thuốc ALZ-113 gây nên lan truyền nhanh chóng qua mạng lưới giao thông trên thế giới nên hầu như chỉ còn những nhóm nhỏ, không đủ sức chống lại loài khỉ và có nguy cơ Trái Đất trở thành hành tinh khỉ, do loài khỉ làm bá chủ.

Nguyễn Văn Toàn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nam-than-noi-chuyen-khi-cac-bo-phim-ve-khi-cua-my-va-trung-quoc-a135242.html