(Phap ly) - LTS: Trong lịch sử ngành tư pháp, phải sau 12 năm (từ khi Phó Chánh án TAND tối cao, bà Nguyễn Thị Thanh Mai nghỉ hưu) nước ta mới lại có một vị Phó Chánh án TAND tối cao là nữ - bà Nguyễn Thúy Hiền. Bà Hiền được Quốc hội khóa XIII (kì họp thứ chín) phê chuẩn là 1 trong 15 Thẩm phán TAND tối cao (trong đó có 4 nữ thẩm phán). Khác với hình dung của tôi, bà Hiền rất cởi mở, thân thiện, nhiệt tình và chia sẻ thông tin với Phóng viên Pháp Lý.
Trước thềm Xuân mới Bính Thân, bà Hiền đã dành cho Pháp Lý cuộc phỏng vấn đặc biệt.
Những đột phá trong công tác tổ chức Tòa án
Phóng viên: Thưa bà, Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đánh dấu nhiều đổi mới quan trọng trong tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án. Bà đánh giá thế nào về những đổi mới đó?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Cùng với nguyên tắc độc lập xét xử, nguyên tắc suy đoán vô tội, chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm, Hiến pháp năm 2013 còn quy định cụ thể nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
[caption id="attachment_135227" align="aligncenter" width="410"]
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền trả lời phỏng vấn Phóng viên TCPL[/caption]
Thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi. Có thể nói, đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới; thể chế hóa các quan điểm lớn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của ngành Tòa án nhân dân, bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người.
Phóng viên: Mong bà chia sẻ cụ thể để độc giả Tạp chí Pháp lý hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng của Tòa án nhân dân cấp cao, cũng như Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử nền tư pháp nước nhà, Quốc hội đã phê chuẩn 15 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, vậy chức năng, nhiệm vụ của 15 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có gì khác biệt so với Hội đồng thẩm phán trước đây?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Theo Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân cấp cao được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
Về cơ cấu tổ chức, Tòa án nhân dân cấp cao gồm Uỷ ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc. Trong đó, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao về công tác của Tòa án nhân dân cấp cao để báo cáo Tòa án nhân dân tối cao.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao có nhiều thay đổi. Từ số lượng 120 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Luật cũ, nay theo quy định của Luật mới, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ có từ 13 đến 17 thành viên. Quy trình bổ nhiệm cũng có thay đổi cơ bản: Sau khi Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia xem xét, tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm thẩm phán để đề nghị Chánh án TAND tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đối với thẩm phán TANDTC và căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Nước ra quyết định bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao (điều 71, điều 72 Luật tổ chức TAND 2014)
Ngày 26/6/2015, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 15 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền tư pháp nước ta, một chức danh tố tụng cao cấp là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được Quốc hội toàn thể xem xét, cân nhắc, phê chuẩn. Các vị Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, lần đầu tiên được Quốc hội phê chuẩn có vị trí, vai trò quan trọng và vị thế hết sức thiêng liêng trước sứ mệnh cầm cân nảy mực, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ công bằng xã hội.
Đồng thời, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân mới đã có quy định tăng thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, Hội đồng có thêm nhiệm vụ, quyền hạn là lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử nhằm hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau. Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP làm cơ sở cho việc lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
[caption id="attachment_135228" align="aligncenter" width="410"] Các thẩm phán tòa tối cao nhận quyết định bổ nhiệm cũng như nhận trọng trách quan trọng trong ngành tòa án.[/caption]
Một nhiệm vụ, quyền hạn mới nữa của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyền thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và dự thảo văn bản pháp luật giữa Tòa án nhân dân tối cao với cơ quan có liên quan theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật (Điểm e Khoản 2 Điều 22).
Phóng viên: Cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới hiện nay đặt ra cho hệ thống Tòa án nhân dân những yêu cầu mới. Xin bà cho biết hệ thống Tòa án nhân dân cần có những trọng điểm và đột phá nào trong năm 2016 góp phần vào thực hiện những yêu cầu mới?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Đúng như Phóng viên đã đề cập, trước yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới hiện nay, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, việc xác định Tòa án có vị trí trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm trong cải cách tư pháp đang đặt ra cho hệ thống Tòa án nhân dân nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án. Chính vì vậy, trong năm 2016, toàn hệ thống Tòa án nhân dân có rất nhiều việc cần thực hiện như Quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chủ động tổ chức triển khai thực hiện các Luật, Pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua có liên quan tới tổ chức và hoạt động của Tòa án, cụ thể là Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Trong đó, chú trọng việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng việc triển khai lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng để cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa thành công thì không những người dân mà cả đội ngũ công bộc, đặc biệt là cán bộ ngành Tư pháp phải thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên để làm được điều này không phải đơn giản. Năm 2016, hệ thống Tòa án nhân dân có những biện pháp nào để giảm, tiến tới ngăn chặn những tiêu cực, tồn tại trong hoạt động xét xử nói chung, cán bộ thẩm phán nói riêng?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Xác định công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động của Tòa án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành để nâng cao hoạt động xét xử, góp phần cải cách Tư pháp. Vì vậy, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao rất quan tâm đến công tác này. Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, xây dựng Đề án về thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án. Trong năm 2016, hệ thống Tòa án nhân dân sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án (đã được Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương thông qua).
Nên nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời
Phóng viên: Năm 2015, Quốc hội phê chuẩn bà là 1 trong 4 nữ thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao, hiện bà đang giữ trọng trách Phó Chánh án TANDTC. Như vậy, sau 12 năm nước ta mới lại có một nữ Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Ở cương vị, trọng trách đặc biệt như vậy bà có cảm thấy áp lực? Kinh nghiệm của bà khi còn làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp có hỗ trợ nhiều cho bà trong cương vị mới hay không?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Đối với tôi, là một trong 15 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lần đầu tiên được Quốc hội phê chuẩn, đồng thời được Chủ tịch Nước bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là một vinh dự, nhưng trách nhiệm rất nặng nề, đặc biệt trong bối cảnh cải cách tư pháp được đẩy mạnh, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân không ngừng được đổi mới. Kinh nghiệm từ khi giữ trọng trách Thứ trưởng Bộ Tư pháp, trong đó đã kinh qua phụ trách, trực tiếp chỉ đạo nhiều lĩnh vực quan trọng như thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, đào tạo bồi dưỡng…đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong cương vị mới tại Tòa án nhân dân tối cao.
Đồng thời, khoa học quản lý mà tôi đã tích lũy được trong thời gian công tác tại Bộ Tư pháp cũng giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc quản lý các lĩnh vực, đơn vị được giao phụ trách theo sự phân công của Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Phóng viên: Việt Nam không có thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời, theo bà quy định như vậy tác động tới hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân hiện nay như thế nào?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Xuất phát từ các lý do như tạo điều kiện cho thẩm phán yên tâm công tác, thực hiện tốt nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử, tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc bổ nhiệm lại, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã quy định theo hướng kéo dài hơn nhiệm kỳ của thẩm phán ( trước đây là 5 năm). Theo đó, nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm (Điều 74).
Tuy nhiên, trong xu thế ngày càng hội nhập, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về việc bổ nhiệm thẩm phán. Theo tìm hiểu của tôi, ở phần lớn các quốc gia, kể cả Trung Quốc, Thẩm phán Tòa án tối cao được bổ nhiệm một lần cho đến tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về chế định bổ nhiệm thẩm phán suốt đời và quy định độ tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng như các ngạch thẩm phán khác so với quy định hiện hành.
Trọng trách và lương tri của thẩm phán nữ
Phóng viên: Nhiều người tiếp xúc với bà thấy bà là một người cởi mở, dễ gần, dí dỏm, thông minh. Còn trong công việc, bà tự nhận thấy mình là người thế nào? Bà có thể chia sẻ với chúng tôi điều mà mình tâm niệm hay không?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Giữ cương vị lãnh đạo của cơ quan xét xử tối cao của đất nước, cơ quan thực hiện quyền tư pháp, tôi tự nhận thấy mình là một người rất nghiêm túc và trách nhiệm cao trong công việc. Đối với các lĩnh vực được giao phụ trách, tôi luôn chủ động, tích cực, chỉ đạo sát sao các nhiệm vụ, kế hoạch công tác. Đồng thời luôn quan tâm, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đơn vị, tạo điều kiện cho cấp dưới phát triển, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Đối với công tác xét xử của Tòa án, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Tòa án các cấp và cá nhân mỗi thẩm phán cần xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng và quy định của pháp luật để ra bản án, quyết định bảo đảm thấu tình, đạt lý. Đặc biệt trong xét xử hình sự, cần thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội để bảo vệ quyền con người, tránh tình trạng oan sai trong hoạt động tố tụng.
Phóng viên: Là phụ nữ, lại từng là lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan bảo vệ pháp luật quan trọng, bà có bao giờ bị “mâu thuẫn” giữa sự mềm dẻo của bản thân và sự khuôn mẫu, cứng nhắc của các vấn đề pháp luật hay không?
Bà Nguyễn Thúy Hiền: Trong cuộc sống tôi cho rằng người phụ nữ cần dịu dàng, mềm dẻo trong đối nhân xử thế, nhưng trong công việc, nhất là khi làm công tác xét xử không phân biệt thẩm phán nam hay thẩm phán nữ đều luôn phải đảm bảo áp dụng đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công lý, công bằng, không thiên vị. Tôi không cho rằng pháp luật là khuôn mẫu cứng nhắc mà là các chuẩn mực ứng xử vì thế phải thượng tôn pháp luật, không vì giữ sự mềm dẻo của phụ nữ mà bỏ qua pháp luật, nếu hiểu “mềm dẻo” theo hướng “duy tình”…
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà đã nhận lời trả lời phỏng vấn TCPL!
Phan Tĩnh ( thực hiện)