Đại đa số nhân dân hy vọng Đại hội XII của Đảng sẽ bầu chọn được một đội ngũ lãnh đạo mới có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực hội nhập quốc tế, có dũng khí đổi mới.
Năm 2016 - năm diễn ra Đại hội XII của Đảng cũng là năm mở đầu cho giai đoạn nước rút để hoàn thành “Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020” theo Nghị quyết 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị.
Mười năm qua, chiến lược này đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc và đạt được những thành tựu quan trọng. Năm 2016, với lực lượng lãnh đạo mới được bầu ra từ Đại hội XII, nhân dân đặt rất nhiều kỳ vọng để hoàn thành chiến lược mang nhiều ý nghĩa to lớn này.
Bắt nguồn từ đường lối ðổi mới
Nghiên cứu lịch sử xây dựng nhà nước và pháp quyền của Việt Nam cho thấy CCTP bắt nguồn từ đường lối ĐỔI MỚI của Đại hội VI của Đảng.
Tổng kết bốn bài học, Đại hội VI nêu lên hàng đầu bài học “lấy dân làm gốc”, xác định: “Đảng ta không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân”. Đại hội yêu cầu: “…các cơ quan nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định”, đồng thời “trừ diệt các tệ hối lộ, cửa quyền, loại bỏ và nghiêm trị những phần tử biến chất lợi dụng danh nghĩa Đảng và chính quyền để đục khoét nhân dân, áp bức quần chúng. Các cơ quan tòa án, kiểm sát, thanh tra, an ninh... dựa vào nhân dân để phát hiện và xử lý kịp thời những vụ vi phạm quyền công dân”. Những yêu cầu trên đây khẳng định lại nguyên lý “quyền lực nhà nước, bao gồm quyền tư pháp, là của dân, do dân, vì dân” đã được ghi nhận từ Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tinh thần ĐỔI MỚI quyết liệt của Đại hội VI vẫn còn tính thời sự: “Quản lý đất nước bằng pháp luật, chứ không chỉ bằng đạo lý... Trong điều kiện Đảng cầm quyền, mọi cán bộ, bất cứ ở cương vị nào, đều phải sống và làm việc theo pháp luật, gương mẫu trong việc tôn trọng pháp luật. Không cho phép bất cứ ai dựa vào quyền thế để làm trái pháp luật... Bất cứ ai phạm pháp đều đưa ra xét xử theo pháp luật, không được giữ lại để xử lý “nội bộ”. Không làm theo kiểu phong kiến: dân thì chịu hình pháp, quan thì xử theo “lễ”... Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cấm bao che hành động phạm pháp và người phạm pháp dưới bất cứ hình thức nào”.1
Đây là những nội hàm cơ bản của nguyên tắc thượng tôn pháp luật và bình đẳng trước pháp luật, một nguyên tắc cơ bản của quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền.
Thế nhưng cho tới Đại hội IX mới đề ra nhiệm vụ: “Cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan và cán bộ tư pháp trong công tác điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử, thi hành án, không để xảy ra những trường hợp oan, sai”.2
Ngay sau Đại hội IX, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 ngày 2-1-2002 một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Tuy vẫn dùng cụm từ “công tác tư pháp”, Nghị quyết 08 có nhiều nội dung mang tính chất cải cách mạnh mẽ và toàn diện đối với hoạt động và tổ chức tư pháp, đặc biệt là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương.
Ðích đến - bảo vệ quyền con người và kiểm soát quyền lực
Nghị quyết 49 đã làm rõ hơn khái niệm các cơ quan tư pháp qua việc xác định “tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm”. Đây là tiền đề để tiến tới phân định rõ hơn ranh giới giữa ba nhánh quyền lực nhà nước. Đáng chú ý, nghị quyết chỉ ra một chức năng quan trọng của các cơ quan tư pháp, đó là “phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm”.
Kết quả và thành tựu của Nghị quyết 49 được hoàn thiện thêm qua các Đại hội Đảng X và XI và kết tinh lại ở Hiến pháp 2013 với những nội dung và chế định được bổ sung và nâng tầm so với khi ban hành, thể hiện ở chế độ chính trị, Chương II Quyền con người (gồm các điều từ 14 đến 49) và Chương VIII về tòa án và viện kiểm sát nhân dân.
Điều 2 của Hiến pháp 2013 xác định chẳng những có “phân công, phối hợp” mà còn có “kiểm soát” giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, qua đó tạo áp lực để cán bộ, công chức ở mỗi nhánh quyền lực này phải tự nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động trong vai trò “công bộc” của nhân dân.
“Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” được đưa thành nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án nhân dân (Khoản 3, Điều 102). Tương tự, “bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” là nhiệm vụ hàng đầu của Viện Kiểm sát nhân dân (Khoản 3, Điều 107). Yêu cầu của Nghị quyết 49 “thực hiện tốt việc tranh tụng” được thể chế hóa thành “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” tại Khoản 3, Điều 103.
Bắt nguồn từ Nghị quyết 49 và trên nền móng của Hiến pháp 2013, một loạt quy định mới về CCTP đã được Quốc hội thông qua trong khi bổ sung, sửa đổi các đạo luật về hình sự và dân sự, các bộ luật tố tụng hình sự, dân sự và hành chính. Trong đó đáng chú ý, để triệt để chống oan sai trong tố tụng hình sự, Quốc hội đã thông qua nhiều quy định bổ sung mang tính ràng buộc đối với cơ quan tiến hành tố tụng và trao thêm quyền tự bảo vệ cho nghi can, bị can, bị cáo, như: cơ quan tiến hành tố tụng phải kết luận vô tội nếu không đủ chứng cứ buộc tội chứ không được tìm cách gia hạn để điều tra bổ sung; quyền của bị cáo, bị can và luật sư được bình đẳng với viện kiểm sát trong thu thập chứng cứ và trong khi xét xử; quyền tiếp cận luật sư sớm và thuận lợi hơn qua việc bỏ giấy chứng nhận bào chữa; quyền của nghi can, bị can khai hoặc không khai, quyền không buộc khai báo bất lợi cho mình và quyền không buộc thú tội; buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung…
Cần động lực mới
Năm 2016 khởi đầu cho giai đoạn năm năm cuối của Chiến lược CCTP, đồng thời cũng là năm diễn ra Đại hội XII của Đảng, cơ quan cao nhất của Đảng có nhiệm vụ bầu ra ban lãnh đạo mới của Đảng và cũng là ứng cử viên cho ban lãnh đạo mới của đất nước.
Quá trình soạn thảo và thông qua các đạo luật triển khai Hiến pháp 2013 cho thấy quyết tâm của các đại biểu của dân trong việc chuyển hóa các thành quả CCTP thành các luật cụ thể. Đồng thời, các cuộc tranh luận cũng cho thấy có sự đeo bám các tư duy và thói quen cũ, nghi ngại, thậm chí tìm cách hạn chế những tiến bộ CCTP, mà Hiến pháp ghi nhận, khi làm các luật cụ thể, chuyên ngành.
Năm 2016 khởi đầu cho giai đoạn năm năm cuối của Chiến lược CCTP, đồng thời cũng là năm diễn ra Đại hội XII của Đảng, cơ quan cao nhất của Đảng có nhiệm vụ bầu ra ban lãnh đạo mới của Đảng và cũng là ứng cử viên cho ban lãnh đạo mới của đất nước.
Đại đa số nhân dân đang hy vọng và đòi hỏi đại hội sẽ bầu chọn được một đội ngũ lãnh đạo mới thấu hiểu những đòi hỏi của đất nước trong một giai đoạn bước ngoặt của lịch sử. Đội ngũ lãnh đạo này cần có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, có quan điểm, nhận thức đúng về dân chủ, có năng lực hội nhập quốc tế, có dũng khí đổi mới. Đội ngũ lãnh đạo mới phải biết cách tạo ra những động lực mới, đưa đất nước tăng tốc và cất cánh để bắt kịp các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Một trong những nguồn động lực ấy, như mười năm qua đã cho thấy, là tiếp tục hoàn thành Chiến lược CCTP, làm cho các quyền con người, quyền công dân được bảo đảm chẳng những bằng các đạo luật mà còn được hiện thực hóa bởi các cán bộ, công chức tư pháp thấm nhuần được tinh thần “dân là gốc”, làm tốt trách nhiệm của “công bộc” và làm nhiều hơn nói.
Theo Zing
Link nội dung: https://phaply.net.vn/cai-cach-tu-phap-nha-nuoc-trong-nhan-dan-hai-qua-a135171.html