Tết Aza - nét văn hóa đặc sắc trên dãy Trường Sơn

Tết Aza đánh dấu thời điểm kết thúc một năm làm việc vất vả và mở ra một năm mới với hy vọng vào những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Đây là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính đến các Yàng, lòng biết ơn đến mẹ của các loại giống cây trồng đặc biệt là mẹ Lúa.

Cứ vào cuối năm, khi những người dân sống trên dãy Trường Sơn A Lưới kết thúc một vụ mùa nương rẫy cũng là lúc trời đông bắt đầu se lạnh, những làn sương trắng bồng bềnh bay trên đỉnh núi A Túc cũng là lúc toàn thể dân làng của các tộc người Pakô, Tà Ôi, Cơtu háo hức chuẩn bị trang phục rực rỡ để đón một mùa lễ hội mới, gọi là Ycha Aza hay còn gọi là Tết Aza.

[caption id="attachment_135108" align="aligncenter" width="410"] Các lễ vật trong ngày Tết Aza được đồng bào chuẩn bị trước đó một tháng.
Các lễ vật trong ngày Tết Aza được đồng bào chuẩn bị trước đó một tháng.[/caption]

Chúng tôi có may mắn được tham dự sự kiện tái hiện Tết Aza tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tiếp chúng tôi trong không gian ấm cúng của cộng đồng các dân tộc sống trên dãy Trường Sơn được dựng lên ngay giữa lòng Thủ đô, cụ Hồ Văn Rãi, già làng làng A đên, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) tay bắt mặt mừng. Bên mâm lễ vật chính thức của Lễ hội Aza, già làng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thú vị xoay quanh Lễ hội đặc biệt này.

Nếu như người Tà Ôi, Cơtu chỉ tổ chức Tết Aza trong phạm vi họ hàng, gia đình gọn nhẹ thì dân tộc Pakô lại tổ chức quy mô cấp làng thể hiện tính cộng đồng cao hơn. Thời gian tổ chức, ý nghĩa lễ hội giống nhau nhưng lại khác biệt về quy trình, quy mô thực hiện.

Người Pakô có hai Tết Aza đó là Aza Koonh và Aza Kăn. Aza Koonh diễn ra vào đầu tháng 1 âm lịch, có nghi lễ đâm trâu, lượng khách lớn, bao gồm con cháu trong làng và các già làng, trưởng họ, bạn bè các làng kết nghĩa.

Aza Kăn được tổ chức hàng năm vào giữa tháng 11 âm lịch, không có nghi lễ đâm trâu, lượng khách ít, chỉ có sự tham dự của con cháu trong gia đình, làng bản. Điều đặc biệt là lễ Aza Kăn của mỗi làng, mỗi dòng họ có khác nhau vì ngày lễ do làng, trưởng họ quyết định. Tuy nhiên, Aza Kăn của tất cả các làng đều được tổ chức trong tháng 11 âm lịch.

[caption id="attachment_135109" align="aligncenter" width="410"] Già làng Hồ Văn Rãi bên mâm cúng chính thức của Tết Aza.
Già làng Hồ Văn Rãi bên mâm cúng chính thức của Tết Aza.[/caption]

Trước khi bước vào lễ cúng chính thức là các nghi lễ chuẩn bị từ trước đó một tháng với bước đầu tiên là nghi lễ tẩy rửa ''a xa - a rah''. Nghi lễ này như một dòng nước linh nghiệm để rửa sạch mọi tội lỗi do con cháu gây nên, cho bản làng được trong sạch, các vị giàng vui lòng xuống dự hội. Bước 2 là nghi lễ Ta nơm (giao ước), lễ vật là một ché rượu cần.

Bước 3 là nghi lễ Ca Coong tro ''Mời mẹ lúa'', bước thứ 4 là cha chọt (nghi lễ chuẩn bị), báo cho các giàng biết con cháu sẽ lên rừng, xuống suối, tìm kiếm các món ngon, vật lạ cho Lễ hội Aza.

Sau khi hoàn thiện các nghi lễ trên, già làng báo cáo cho Dàng Đung (Thần nhà cửa) tiến hành Tết Aza chính thức.

Aza diễn ra một ngày một đêm với phần lễ và phần hội. Đây là lễ hội đặc sắc, nơi tập trung đầy đủ các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian như dân ca, dân nhạc, dân vũ với tính nguyên hợp mang đậm dấu ấn bản sắc truyền thống.

Quy trình Lễ hội cũng thể hiện rõ sự khác biệt, điều này nói lên sự phong phú, đa dạng về văn hóa của mỗi dân tộc ở vùng cao A Lưới. Lễ Aza của người Pakô diễn ra tại Moòng chung của làng bản, còn đối với người Tà Ôi là nhà Roong chung của họ tộc và người Cơ Tu là nhà Gươl.

[caption id="attachment_135110" align="aligncenter" width="307"]Các lễ vật thể hiện sự kính cẩn của đồng bào với các bậc thần linh. Các lễ vật thể hiện sự kính cẩn của đồng bào với các bậc thần linh.[/caption]

Phần Lễ Aza chính thức gồm có: Lễ cúng Aza (Các vị giống cây trồng), Lễ cúng Giàng Pa nuôn (Vị thần che chở khi đi buôn bán), Lễ cúng Giàng Cợt (Vị thần ban tặng con người), Lễ cúng Giàng Xứ (Giàng sông, suối, gió, núi, mây, lửa, đất, đường sá,...), Lễ cúng Giàng Ku muuiq (Những người đã khuất), Lễ cúng Giàng A Zel (Gồm A bum, A boi: vị thần có công mài nhẵn hình hài con người tạo nên các loại giống cây trồng, vật nuôi, điều hòa khí hậu cho mùa màng tốt tươi và Tu looi, târ tooq: thần giun đất có công nuôi dưỡng các loại cây trồng xanh tươi, nặng bông, trĩu quả). Sau khi kết thúc phần lễ cúng này sẽ là phần khai lộc. Người đàn ông sẽ lấy các lễ vật cho phụ nữ ăn. Vì người phụ nữ là Ykăn, A-y ti-a-tâm (người đảm đương từ gieo hạt, chăm sóc đến thu hoạch lúa).

Tiếp đó là Lễ Cha đooi ârbeh (Lễ ăn cơm mới), Lễ giao mâm cỗ: Các vị khách được mời chung vui bữa tiệc, cùng nhau nhảy múa, hát hò chúc tụng Lễ hội Aza.

Sau khi phần Lễ kết thúc, mọi người trở về nhà để chuẩn bị phần hội tiếp đón khách. Già làng cùng các trưởng họ đi đến từng gia đình để hỏi thăm, chúc tụng nhau, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu. Bên ánh lửa bập bùng, họ cùng nhau ca hát, nhảy múa bằng điệu Aza, Poon, Ẹo và cùng đối đáp với nhau bằng những làn điệu dân ca ''Kâr lơ ơi'' ''Târ a'', ''Xiềng'', ''Cha chấp''... cùng nhịp trống, tiếng chiêng bằng giai điệu ''Pâr lư'', ấm áp tình người. Các món ăn, thức uống, đặc biệt đã được chuẩn bị lâu nay cũng được dọn ra đãi khách, họ cùng vui chơi chúc nhau cho đến khi lễ hội kết thúc.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Thị Thêm, Phòng Văn hóa, Thông tin huyện A Lưới cho biết, Lễ hội Aza là một trong những nét văn hóa tốt đẹp, độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số đang được huyện A Lưới gìn giữ, phát huy và duy trì hàng năm.

Theo Dantri

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tet-aza-net-van-hoa-dac-sac-tren-day-truong-son-a135107.html