Trảm tướng nhanh - dấu ấn đặc biệt của ông Đinh La Thăng

Nổi tiếng với các quyết định “trảm tướng" giữa trận tiền, Bộ trưởng Đinh La Thăng không chỉ “trảm” chủ đầu tư chậm tiến độ, mà còn thẳng tay với cả các nhà thầu làm ăn gian dối.

Ngày 4/10/2011, sau khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thay ngay tổng chỉ huy công trình.

Theo kế hoạch, lẽ ra nhà ga phải đưa vào khai thác từ quý I/2010 nhưng việc thi công ì ạch đã khiến dự án chậm tiến độ gần hai năm.

Ông lập tức gọi điện cho TGĐ Tổng Công ty hàng không miền Nam yêu cầu ngay trong trưa hôm đó điều động một cán bộ có năng lực, từng tham gia điều hành thành công dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay Cần Thơ ra tăng cường cho sân bay Đà Nẵng.

[caption id="attachment_135040" align="aligncenter" width="410"]Bộ trưởng Thăng tại công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng năm 2011. Ảnh: H.K. Bộ trưởng Thăng tại công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng năm 2011. Ảnh: H.K.[/caption]

“Trảm tướng” sau phát ngôn "sốc" (25/4/2014)

Chiều ngày 25/4/2014, tư lệnh ngành Giao thông đã ký quyết định đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng vì lý do phát ngôn thiếu trách nhiệm liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Quyết định nêu rõ: Ông Nguyễn Hữu Thắng đã có phát ngôn không đúng và thiếu trách nhiệm liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyết Cát Linh - Hà Đông, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT.

Trước đó, ngày 23/4, trao đổi với báo chí về việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội giá hơn 300 triệu USD, Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng nói:

"Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên".

Thay Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt vì để ngành trì trệ (3/6/2014)

Ngày 3/6/2014, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chính thức công bố quyết định cho thôi chức vụ Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam đối với ông Nguyễn Đạt Tường .

“Tổng giám đốc tốt mà để ngành trì trệ thì phải thay. Anh Tường lên gặp tôi hỏi có vấn đề gì không? Tôi bảo anh là người quá tốt, đạo đức trong sáng, phẩm chất tốt.

Tôi chưa phát hiện anh có khuyết điểm gì, đối với tôi, anh là người rất tốt nhưng công việc không chạy nên tôi phải thay. Anh đứng đầu một đơn vị mà công việc trì trệ như thế thì anh phải làm việc khác”.- Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Thay giám đốc dùng ly bia táng vào mặt đồng nghiệp (17/10/2014)

Ngày 17/10/2014, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại TCT Xây dựng công trình giao thông 6 thực hiện ngay một số nội dung xem xét, xử lý trách nhiệm cán bộ dùng ly bia táng vào mặt đồng nghiệp này.

Công văn của Bộ GTVT gửi đến báo nêu rõ, lãnh đạo Bộ đã đề nghị thay người, không để ông Huỳnh Hớn Dũng – GĐ Cty cổ phần Bảo trì đường bộ 719 có hành vi dùng ly bia táng vào mặt đồng nghiệp tiếp tục làm người đại diện tại doanh nghiệp này.

Kỷ luật lãnh đạo Cienco 1 vì vô cảm với tai nạn (7/11/2014)

Sáng 6/11, tại công trường tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi, máy cẩu của đơn vị thi công đang cẩu một thanh thép lớn thì bất ngờ cáp bị đứt. Thanh thép rơi xuống đường làm một người chết và hai người khác bị thương.

Trưa 6/11, ngay sau khi biết thông tin về vụ tai nạn, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gấp rút chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông xuống hiện trường để giải quyết vụ việc.

Tiếp đó, Bộ trưởng gọi điện cho lãnh đạo Cienco1 là ông Phạm Dũng xuống hiện trường để phối hợp với các cơ quan, đơn vị cùng xử lý. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết đang bận giao ban nên chỉ cử Chủ tịch Công đoàn của Công ty xuống chứ không trực tiếp xuống giải quyết.

Tại cuộc họp chiều 7/11/2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) làm rõ trách nhiệm của ông Phạm Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Ông Dũng phải viết báo cáo kiểm điểm và sẽ xem xét hình thức kỷ luật vì thái độ được cho là vô cảm khi vẫn họp giao ban mà không ra hiện trường vụ tai nạn dù Bộ trưởng đã có yêu cầu.

[caption id="attachment_135041" align="aligncenter" width="410"] "Một vụ việc xảy ra như vậy mà vẫn ngồi họp giao ban được là không thể chấp nhận". Ảnh: Đình Quang.
"Một vụ việc xảy ra như vậy mà vẫn ngồi họp giao ban được là không thể chấp nhận". Ảnh: Đình Quang.[/caption]

Thay giám đốc điều hành và Ban Quản lý dự án 2 do Quốc lộ 1 thi công ì ạch (24/2/2015)

Ngày 21/2/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, nhận định việc thi công ở các dự án này rất chậm chạp.

Bộ trưởng chỉ rõ hàng loạt nguyên nhân: Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 - đơn vị quản lý các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Bình Định và Phú Yên, nắm việc lơ mơ; nhà đầu tư yếu cả năng lực và tài chính; nhà thầu thi công kém cỏi.

Sáng 24/2/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị chức năng về việc xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án mở rộng Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua tỉnh Bình Định, Phú Yên.

Trong cuộc họp này bộ trưởng quyết định thay giám đốc điều hành dự án và thay thế Ban QLDA 2 bằng Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.

Cách chức Tổng giám đốc vì đòi mua đồ đã qua sử dụng (3/2/2016)

Ngày 3/2/2016, Bộ trưởng Thăng đã ký quyết định số 1484/BGTVT-TCCB kiểm điểm cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Bộ GTVT chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho ông Nguyễn Viết Hiệp thôi làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và cách chức Tổng Giám đốc đối với cán bộ này.
Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội trước đó có cho biết đã nhận được sự chấp thuận của Công ty mẹ là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc mua lại hơn 160 toa xe cũ từ Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc).

Trong lô hàng này có tới 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước. Còn gần 20 toa mới nhất trong lô hàng cũng đã có tuổi đời 12 năm. Đây đều là những toa xe được sử dụng trên đường ray khổ 1.000mm.

Thay nhà thầu chậm tiến độ (18/9/2014)

Sáng 18/9/2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu thay ngay nhà thầu chậm tiến độ khi kiểm tra dự án nâng cấp cửa sông Ninh Cơ (Cửa Lạch Giang, Nam Định) thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6).

Không hài lòng với tiến độ các gói thầu, Bộ trưởng Đinh La Thăng truy vấn nhà thầu Liên danh Hacoin – Công ty Cơ khí Phương Nam:

Ngay khi được biết các nhà thầu này chưa hề có kinh nghiệm thi công công trình tương tự, đặc biệt khi Tư vấn báo cáo “năng lực của nhà thầu bằng 0”, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải chấm dứt ngay hợp đồng và thay thế nhà thầu khác đủ năng lực.

[caption id="attachment_135042" align="aligncenter" width="410"]“Các anh đã tham gia làm đường thuỷ bao giờ chưa? Tại sao đến thời điểm này, các gói thầu khác dù cũng chậm song đã đạt được khoảng 30% khối lượng công việc trong khi đó gói thầu này mới đạt 5% như báo cáo của Tư vấn giám sát?”. Ảnh: Báo Giao thông. “Các anh đã tham gia làm đường thuỷ bao giờ chưa? Tại sao đến thời điểm này, các gói thầu khác dù cũng chậm song đã đạt được khoảng 30% khối lượng công việc trong khi đó gói thầu này mới đạt 5% như báo cáo của Tư vấn giám sát?”. Ảnh: Báo Giao thông.[/caption]

Bộ trưởng Thăng 'trảm' chủ đầu tư vòi 30% tiền lại quả (5/7/2014)

Ngày 5/7/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thị sát dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14).

Sau khi nghe Ban Quản lý dự án báo cáo tình hình thi công trên toàn tuyến, trong đó có gói thầu đầu tư theo hình thức BOT của Công ty CP BOT Quang Đức, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư này.

Trước đó, ngày 1/5, 2/3 nhà thầu xây lắp dự án này đã ngừng thi công vì cho rằng nhà đầu tư thanh toán khối lượng thi công rất chậm, lòng vòng, tạm giữ tiền của nhà thầu không hợp lý. Công ty CP BOT Quang Đức đã có báo cáo giải trình với Bộ Giao thông.

Theo đó, công ty này cho rằng các khoản tạm giữ giữa nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp gồm 5% giá trị thầu chờ quyết toán, 5% giá trị hợp đồng để bảo hành công trình, 10% giá trị phần nền đường và các hạng mục khác cho đến khi thảm nhựa mặt đường.

Tuy nhiên trên thực tế, ngoài 20% nói trên, trước khi nhận thầu, các nhà thầu xây lắp còn phải cam kết “lại quả” cho Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (công ty mẹ của Công ty CP BOT Quang Đức) 30% giá trị thầu.

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tram-tuong-nhanh-dau-an-dac-biet-cua-ong-dinh-la-thang-a135039.html