PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Viện trưởng Viện Chính trị học – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: "Đảng càng tuân thủ pháp luật thì vai trò lãnh đạo của Đảng càng được củng cố vững chắc"

(Pháp lý) - LTS: Tháng 1/2016, một sự kiện chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng được nhân dân Việt Nam và cộng đồng Quốc tế đặc biệt quan tâm, đó là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng cộng sản VN.

Nhân dịp này, Phóng viên TCPL phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Viện trưởng Viện Chính trị học – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xoay quanh chủ đề Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền VN XHCN trong giai đoạn mới.

Phóng viên: Từ Đại hội IX, Đảng ta đã xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (NNPQXHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân như một nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Qua 3 nhiệm kì ĐH Đảng, cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về thành tựu của công cuộc xây dựng NNPQXHCN ở nước ta?

[caption id="attachment_135006" align="alignleft" width="352"]PGS. TS. Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Viện trưởng Viện Chính trị học – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn TCPL PGS. TS. Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Viện trưởng Viện Chính trị học – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn TCPL[/caption]

PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh: Qua 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền luôn được Đảng ta coi trọng. Xây dựng Nhà nước pháp quyền được coi là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay. Thành tựu lớn nhất qua 3 kỳ Đại hội là nhận thức của chúng ta về Nhà nước pháp quyền ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn. Bộ máy nhà nước không ngừng được hoàn thiện, cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được phân định ngày một rành mạch và rõ ràng hơn. Trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, chúng ta đã có những thành tựu cơ bản sau:

Thứ nhất, nhận thức về Nhà nước pháp quyền ngày càng trở nên rõ ràng hơn: bản chất, đặc trưng, phương thức tổ chức quyền lực trong Nhà nước pháp quyền, mối quan hệ giữa pháp luật và quyền lực, cá nhân và cộng đồng, công dân và nhà nước…

Thứ hai, hệ thống luật pháp không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước và việc thực hiện quyền làm chủ của người dân.

Thứ ba, quyền con người, quyền cơ bản của công dân được nhà nước thừa nhận và bảo vệ. Nhiều công ước quốc tế về quyền con người, quyền công dân đã được Nhà nước ký kết và cam kết thực hiện, được cụ thể hóa trong các đạo luật.

Thứ tư, quyền làm chủ của người dân được mở rộng, các phương thức thực hiện quyền làm chủ của người dân ngày càng đa dạng và phong phú (dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, việc ban hành Pháp lệnh dân chủ cơ sở, v.v..)

Thứ năm, sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ngày càng được nhận thức lại đúng đắn hơn. Nội dung và phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đã có bước đổi mới, vừa bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan nhà nước.

Thứ sáu, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có những chuyển biến tích cực (Quốc hội ngày càng thực quyền; Chính phủ ngày càng năng động, thích ứng nhanh với những thay đổi của đời sống chính trị - xã hội trong nước và quốc tế; tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng sản xuất kinh doanh; bộ máy trở nên tinh gọn hơn, cách thức điều hành nhanh nhạy và kịp thời); cơ quan tư pháp bước đầu đảm bảo khá tốt việc duy trì công lý trong đời sống xã hội.

“Nhiệm vụ chiến lược quan trọng” này trong tình hình mới hiện nay được Dự thảo văn kiện trình ĐH Đảng XII xác định và nhận định thế nào thưa ông? Cá nhân ông có góp ý xây dựng gì?

Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục ghi nhận nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như một nhiệm vụ quan trọng mang tính quyết định của quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Dự thảo Văn kiện cũng xác định rõ hơn những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay. Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền được đặt trong tổng thể giải pháp đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng và xây dựng nền dân chủ XHCN ở Việt Nam hiện nay.

Với tư cách là người nghiên cứu, tôi đã góp ý vào văn kiện để làm rõ mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền với Nhà nước pháp quyền XHCN. Cầm quyền nhưng phải đảm bảo sự độc lập của Nhà nước, thượng tôn pháp luật. Mối quan hệ cơ bản này đã được hiến định trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

Trong xây dựng NNPQXHCN , nhiều ý kiến cho rằng vấn đề mấu chốt hiện cần xây dựng được đó là cơ chế để nhân dân tham gia kiểm soát được quyền lực Nhà nước. Cá nhân ông đánh giá thế nào về vấn đề này ở nước ta hiện nay? Hiện nay chúng ta đã xây dựng được những cơ chế cho dân kiểm soát quyền lực NN ở mức độ như thế nào? Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới?

Trong thể chế nhất nguyên chính trị như ở nước ta hiện nay, vấn đề nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là điều vô cùng hệ trọng. Kiểm soát của nhân dân là kiểm soát mang tính xã hội vào bộ máy công quyền. Nếu thể chế tam quyền phân lập thì lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực. Trong thể chế đa đảng, đa nguyên lấy sự kiềm chế đối trọng giữa các đảng phái kiểm soát lẫn nhau. Còn trong thể chế chính trị của chúng ta là nhất nguyên một đảng, do vậy phải hình thành thể chế để nhân dân giám sát quyền lực trở thành nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Mục đích của giám sát quyền lực và giám sát nhân dân đối với các cơ quan dân cử là để quyền lực không bị lạm dụng, bị tha hóa, sự uỷ quyền của nhân dân đối với các cơ quan quyền lực, đối với đội ngũ cán bộ, công chức được kiểm soát. Thực tế đã chứng minh, quyền lực nói chung và quyền lực nhà nước nói riêng luôn có xu hướng bị tha hóa, bị biến dạng và bị lạm dụng vào những mục đích cá nhân nhiều khi đi ngược lại lợi ích xã hội. Vì vậy, để ngăn ngừa những hậu quả tiêu cực của nó, quyền lực, quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ. Giám sát nhân dân là một cách thức quan trọng để kiểm soát bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

[caption id="attachment_135007" align="aligncenter" width="410"]Quang cảnh một phiên họp của BCHTW Đảng Quang cảnh một phiên họp của BCHTW Đảng[/caption]

Hiện nay, chúng ta đã hình thành được sự kiểm soát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Phản biện và giám sát là hai chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thông qua các đoàn thể nhân dân, các diễn đàn xã hội, nhân dân cũng có thể tham gia rất có hiệu quả vào việc giám sát và kiểm soát quyền lực.

Chúng ta đã trải qua gần 15 năm kể từ khi Đảng xác định xây dựng NN PQXHCN như một nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong thời kỳ đổi mới. Cũng gần 15 năm qua, không hề ít các văn bản pháp luật, cơ chế, thiết chế được ban hành với mục đích để người dân tham gia kiểm soát quyền lực Nhà nước..., nhưng dường như tình trạng tham nhũng, phân hóa giàu nghèo, cửa quyền, lạm quyền, hách dịch, mua quan bán chức, vô cảm với dân, xa hoa lãng phí ....lại có xu hướng không giảm, có nơi có lúc lòng tin của dân giảm sút. Với trải nghiệm và kinh nghiệm công tác của ông, xin ông cho biết vì sao lại có những nghịch lý như vậy? Hành lang pháp luật của chúng ta về vấn đề này liệu đã đủ vững chắc để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình chưa, thưa ông? Và tới đây phải cải thiện và thay đổi thế nào?

Theo tôi, mấu chốt là ở chỗ chúng ta chưa có được cơ chế hiệu quả để thực hiện chính sách, pháp luật. Chính sách, pháp luật tốt nhưng triển khai và thực hiện kém thì hiệu quả rất thấp. Do vậy, nghịch lý nằm ở chỗ chính sách, pháp luật hay, nhưng không ít chính sách pháp luật nằm trên giấy tờ là chủ yếu. Trong toàn bộ chu trình chính sách thì khâu yếu nhất là thực thi chính sách và pháp luật. Do vậy, theo tôi chúng ta phải đặt nặng giải pháp vào việc thực thi chính sách, pháp luật. Phải đặt dân trong trung tâm của chu trình chính sách và pháp luật. Pháp luật và chính sách phải phản ánh tâm tư, ý chí, nguyện vọng của dân. Nhân dân phải có thông tin, phải có cơ chế cung cấp và chịu trách nhiệm thông tin trước dân.

Sắp tới theo tôi phải khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của người dân. Hơn nữa, chúng ta phải hình thành một tinh thần pháp quyền trong tất cả các lĩnh vực, thượng tôn pháp luật phải trở thành nguyên tắc để người dân tham gia giám sát quyền lực nhà nước.

Ông có thể đánh giá khái quát những điều kiện thuận lợi cũng như những thách thức mà chúng ta đang và sẽ phải đối mặt khi xây dựng Nhà nước PQXHCN trong tình hình mới hiện nay, thưa ông?

Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay, có những thuận lợi chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, nhận thức của cán bộ và nhân dân ngày càng được khẳng định, định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền ngày càng đậm nét.

Thứ hai, kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nhà nước pháp quyền có cơ hội để chúng ta có thể tiếp thu học tập.

Thứ ba, cải cách hành chính, cải cách tư pháp ngày một hoàn thiện góp phần thiết thực vào việc bảo đảm những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN.

Thứ tư, sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay.

Bên cạnh những thuận lợi, còn có những thách thức trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay là:

Thứ nhất, thách thức của toàn cầu hóa trong việc hoàn thiện thể chế và bộ máy, hệ thống pháp luật cho việc hội nhập.

Thứ hai, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế.

Thứ ba, tình trạng quan liêu, tham nhũng chưa chuyển biến rõ rệt.

[caption id="attachment_135008" align="aligncenter" width="278"]Người dân kì vọng và đặt niềm tin vào kết quả Đại hội XII của Đảng Người dân kì vọng và đặt niềm tin vào kết quả Đại hội XII của Đảng[/caption]

Cuối cùng, để xây dựng NNPQXHCN đạt hiệu quả, theo ông chúng ta cần thực hiện những biện pháp đồng bộ nào?.

Để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đạt hiệu quả, theo tôi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Trước hết, cần phân định rõ phạm vi, giới hạn hoạt động của Đảng, của Nhà nước và của các đoàn thể nhân dân; làm rõ vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phân định rõ chức năng quản lý kinh tế của nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể sản xuất; cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước; đa dạng hóa các hình thức dân chủ, tạo thuận lợi cho dân trong việc thực hiện quyền làm chủ của mình, kiểm soát hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; làm rõ cơ chế bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của công dân; nâng cao tính chính đáng của Đảng cầm quyền trong đời sống xã hội, v.v.. Đây là những vấn đề trọng tâm của Nhà nước pháp quyền, do đó chúng cần phải được thể chế hóa một cách cụ thể.

Thứ hai, Đảng phải lãnh đạo trên cơ sở “thượng tôn pháp luật”, tuyệt đối tôn trọng luật pháp.

Chúng ta đang hướng mạnh đến các giá trị pháp quyền. Chính vì vậy, để đảm bảo được vai trò lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền thì hơn lúc nào hết Đảng phải lãnh đạo và cầm quyền theo pháp luật. Đảng càng tuân thủ luật pháp thì vai trò lãnh đạo của Đảng càng được củng cố vững chắc. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần thể chế hóa một cách cụ thể những mối quan hệ cơ bản giữa Đảng và Nhà nước, nhất là mối quan hệ giữa lãnh đạo và quản lý; những nguyên tắc, nội dung và cơ chế Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền; xây dựng cơ chế để các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng nếu trái với quy định của Hiến pháp và pháp luật thì cũng phải bị xử lý, các quyết định của Đảng nếu vi phạm Hiến pháp cũng phải được xét xử ở tòa án hành chính như các quyết định của cơ quan nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Hoàn thiện phương thức, quy trình lựa chọn, giới thiệu và bầu cử đại biểu Quốc hội theo hướng thực sự dân chủ, có sự tranh cử công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng "Đảng cử, dân bầu", đưa ra các quy định để hạn chế số lượng người ứng cử tự do, tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người trong Đảng và những người ngoài Đảng. Từng bước xây dựng Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, giảm đến mức tối thiểu số lượng đại biểu kiêm nhiệm. Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội và hoạt động của các cơ quan của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, mở rộng hơn nữa các chủ thể sáng kiến lập pháp và dự thảo pháp luật. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả, tổ chức tinh gọn, hợp lý; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chính phủ. Đẩy mạnh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước bằng các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Tăng cường tính công khai, minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Thực hiện phân cấp hợp lý cho chính quyền địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo hướng tăng cường tính độc lập, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan này. Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp theo hướng trách nhiệm, dân chủ và minh bạch, bảo vệ công lý, quyền con người, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nâng cao chất lượng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ tư pháp nhằm đáp ứng những đòi hỏi của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền; thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động hỗ trợ tư pháp như: tư vấn pháp lý, luật sư,...để người dân dễ dàng tiếp cận và tự bảo vệ các quyền cơ bản của mình khi bị xâm hại.

Thứ tư, Nhà nước cần sớm ban hành Luật về Hội để tạo khung khổ pháp lý cho xã hội công dân hoạt động. Từng bước nghiên cứu và xây dựng cơ sở hoạt động cho xã hội công dân, thực hiện đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, các hiệp hội,…nhằm tạo ra cơ chế kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội để phát huy vai trò của các yếu tố xã hội công dân trong việc thực thi dân chủ và kiểm soát quyền lực. Đây là phương tiện kiểm soát quyền lực toàn diện và triệt để nhất vì nó phản ánh đúng bản chất của quyền lực nhà nước là bắt nguồn từ nhân dân, nhân dân là chủ thể tối thượng của quyền lực Nhà nước. Nếu hoạt động tốt, đây sẽ là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đối với các cơ quan nhà nước.

Thứ năm, xây dựng và thực hiện tốt cơ chế bảo đảm dân chủ, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa đồng nghĩa với việc phát huy tính sáng tạo của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Dân chủ chỉ được phát huy khi nó gắn bó chặt chẽ với trật tự, kỷ cương, luật pháp; đề cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước với công dân và công dân với Nhà nước./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhóm PV Nội chính (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/pgs-ts-nguyen-van-vinh-pho-vien-truong-vien-chinh-tri-hoc-hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-ho-chi-minh-dang-cang-tuan-thu-phap-luat-thi-vai-tro-lanh-dao-cua-dang-cang-duoc-cung-co-v-a135005.html