TS. Nguyễn Văn Quyền- Chủ tịch Hội Luật gia VN trả lời phỏng vấn Tạp chí Pháp lý: Phát huy vai trò của Hội luật gia VN trong các hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật.

(Pháp lý) - LTS: Năm 2015 vừa qua, Hội luật gia VN ( HLGVN) đã long trọng kỉ niệm 60 năm xây dựng và phát triển. 60 năm với những khát vọng cống hiến vì dân vì công lý của biết bao thế hệ Luật gia tận tâm. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, nội lực và uy tín của Hội luật gia VN ngày càng được khẳng định và nâng tầm. Đặc biệt, năm 2015, HLGVN đã chủ trì xây dựng thành công Dự án Luật Trưng cầu ý dân- một đạo luật vô cùng ý nghĩa trong đời sống chính trị nhân dân VN. Trước thềm năm mới 2016, Chủ tịch Hội luật gia VN – ông Nguyễn Văn Quyền đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Phóng viên TCPL.

[caption id="attachment_134802" align="aligncenter" width="374"]Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia VN Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia VN[/caption]

Phóng viên: Thưa ông, năm 2015, HLGVN đón nhận nhiều sự kiện chính trị pháp lý hết sức ý nghĩa và quan trọng.  Mong ông chia sẻ với bạn đọc một số sự kiện, kết quả quan trọng của Hội trong năm vừa qua ?

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch HLGVN: Năm 2015 là năm toàn Đảng, toàn dân ta nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc như: 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9. Đây cũng là năm tình hình thế giới và khu vực được dự báo vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là Biển Đông. Trong khi kinh tế đất nước đã có dấu hiệu phát triển khả quan nhưng vẫn đứng trước không ít khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hợp tác, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, HLGVN đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ  chính trị được giao, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2015 thực sự là một năm ghi dấu nhiều sự kiện chính trị pháp lý quan trọng đối với HLGVN.

Đầu tiên phải kể đến sự kiện HLGVN long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội (04/04/1955 – 04/04/2015) và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ II với sự tham dự của 356 đại biểu, đại diện cho hơn 63.000 hội viên sinh hoạt tại 63 Hội Luật gia tỉnh, thành phố trong cả nước, 52 chi hội và 16 đơn vị trực thuộc Trung ương Hội. Đây là năm đầu tiên Hội tổ chức lễ kỷ niệm với quy mô lớn như vậy. Lễ kỷ niệm vừa là một cột mốc ghi dấu sự phát triển của Hội, vừa là cơ hội để các cán bộ hội viên nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của Hội từ đó xây dựng định hướng phát triển cho những năm về sau.

Dấu mốc thứ hai phải kể đến là việc HLGVN vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đến thăm và làm việc tại Trụ sở Hội vào những ngày trung tuần tháng 8. Buổi làm việc của Chủ tịch Nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Hội. Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nước không những khẳng định và động viên những kết quả Hội đã đạt được mà còn giúp Hội tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Cũng trong buổi làm việc này, Chủ tịch Nước cũng tiếp thêm những động lực cần thiết để HLGVN có thêm sức mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao...

Tiếp đến, ngày 25/11 vừa qua cũng là dấu mốc cực kì quan trọng đối với HLGVN. Đó là ngày Luật Trưng cầu ý dân do HLGVN chủ trì soạn thảo chính thức được QH khóa XIII bấm nút thông qua. Đây là dự án luật lớn thứ hai (sau Luật Trọng tài thương mại 2010) mà Hội Luật gia Việt Nam đã được Quốc hội tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng. Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước đối với Hội Luật gia Việt Nam khi giao cho Hội thực hiện một nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Hội đã tập hợp trí tuệ các luật gia, phát huy các thế mạnh của mình đồng thời huy động tối đa nhân lực, trí lực để thực hiện nhiệm vụ xây dựng một đạo luật đặc biệt quan trọng. Việc hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn nhiệm vụ lập pháp do Quốc hội đề ra đã chứng minh năng lực của Hội Luật gia Việt Nam trong việc trình sáng kiến xây dựng pháp luật và chủ trì soạn thảo các văn bản pháp luật.

Phóng viên: Được biết, năm qua, HLGVN đã tiến hành nhiều Hội nghị, khảo sát thực tế ở tất cả các địa phương để có cơ sở báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, 2 năm thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Luật gia Việt Nam. Qua khảo sát , xin ông cho biết những kết quả đánh giá sơ bộ?

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch HLGVN : Gần 3 năm trở lại đây, Kết luận 19 – KL/TW của Ban Bí thư TW Đảng và Chỉ thị 08/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ được coi là kim chỉ nam cho hoạt động của Hội. Căn cứ Kết luận 19-KL/TW và Chỉ thị 08/CT-TTg, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quán triệt đến cán bộ chủ chốt các tổ chức, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội. Sau 3 năm thực hiện Kết luận 19 và 2 năm thực hiện Chỉ thị 08, có thể nói, hoạt động của Hội có nhiều thay đổi.

Thực hiện Kết luận 19 và Chỉ thị 08, hầu hết các tỉnh, thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị, Thông tri, Công văn chỉ đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền trực thuộc về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện đối với công tác của Hội Luật gia và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, triển khai thực hiện đến các cấp ủy Đảng, chính quyền; các ban, ngành, đoàn thể; cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là hội viên và những người đã và đang làm công tác pháp luật nắm vững, thực hiện đầy đủ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam. Trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW và Chỉ thị 08/CT-TTg, ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền còn chỉ đạo gắn với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát huy vai trò nòng cốt của Hội Luật gia Việt Nam trong hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật.

Qua việc phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các kế hoạch thực hiện, các cấp Hội và hội viên đã nắm vững những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam để vận dụng vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác chuyên môn phù hợp thực tế ở địa phương. Từ đó, không những hoạt động của Hội được mở rộng hơn mà các cán bộ Hội viên của Hội cũng có điều kiện để trau dồi kĩ năng và kinh nghiệm công tác.

Phóng viên: Có thể nói, chủ trì soạn thảo thành công Dự án Luật TCYD là một điểm nhấn đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Hội năm 2015. Với cương vị Chủ tịch HLGVN, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của Luật này đối với đời sống chính trị của người dân VN?

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch HLGVN : Là một người hoạt động chính trị, tôi luôn trăn trở khi nước ta chưa có Luật về trưng cầu ý dân. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, khi nào chưa có Luật về vấn đề này thì khi ấy Nhà nước vẫn còn nợ nhân dân.

Trưng cầu ý dân là một phương thức quan trọng để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Thực tiễn cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau khi đất nước thống nhất về mọi mặt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai; việc tham vấn chuyên gia và thực hiện phản biện xã hội cũng đã được mở rộng; việc công khai các dự thảo văn bản luật và chính sách được coi là nguyên tắc ban hành văn bản QPPL và hoạch định chính sách. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, kết quả của hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân trực tiếp quyết định những vấn đề trọng đại cũng còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế đó là do chưa có thể chế pháp lý rõ ràng, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một nội dung Hiến định.

Nay, Luật Trưng cầu ý dân đã được ban hành, “món nợ” nhiều năm nay dường như đã phần nào được “trả”. Cá nhân tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi Quốc Hội đã biểu quyết thông qua dự án luật này với tỉ lệ tán thành rất cao.

Phóng viên: Để Luật TCYD sớm đi vào cuộc sống, theo ông, ngay năm 2016 này, các cơ quan ban ngành chức năng cần chú ý và triển khai những gì?

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch HLGVN : Công tác tổ chức thực thi một đạo Luật mới chưa khi nào là điều dễ dàng. Luật TCYD cũng không phải là một ngoại lệ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta ban hành được một văn bản Luật điều chỉnh hoạt động trưng cầu ý dân.

Để Luật sớm đi vào cuộc sống, theo tôi, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật vẫn là quan trọng nhất. Nói như vậy, nhiều người sẽ nghĩ rằng đối tượng của công tác tuyên truyền, phổ biến là người dân nhưng theo tôi, trước hết, việc tuyên truyền, phổ biến về Luật TCYD phải hướng đến chính các cơ quan Nhà nước. Bởi lẽ, người dân chỉ thực hiện được quyền của mình khi nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc tuyên truyền, phổ biến cần làm rõ những nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước khi Luật này có hiệu lực. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng cán bộ hách dịch, gây khó dễ khi người dân thực hiện quyền của mình, khi tuyên truyền, phổ biến Luật này với các cơ quan Nhà nước, cần kết hợp với việc giáo dục ý thức trách nhiệm và thái độ làm việc của cán bộ các cơ quan này.

Bên cạnh đó,   tổ chức rà soát các văn bản hiện hành liên quan đến công tác lấy ý kiến nhân dân là điều cần phải triển khai sớm. Theo dõi quá trình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật TCYD, cơ quan soạn thảo (HLGVN) nhận thấy nhiều ý kiến còn chưa phân định được sự khác nhau giữa lấy ý kiến nhân dân và trưng cầu ý dân. Để tránh sự nhầm lẫn này, trước hết các văn bản pháp luật về vấn đề này cần phải rõ ràng và thống nhất.

[caption id="attachment_134803" align="aligncenter" width="410"]Đồng chí Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Trưng cầu ý dân tại buổi họp báo chính thức công bố Luật Đồng chí Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Trưng cầu ý dân tại buổi họp báo chính thức công bố Luật[/caption]

Phóng viên: Bên cạnh thế mạnh nòng cốt tham gia XDPL, nhiều chục năm nay, HLGVN còn là địa chỉ tin cậy tư vấn và trợ giúp pháp lý cho dân, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền của công dân. Qua hoạt động của Hội năm 2015, ông có thể cho bạn đọc biết những lĩnh vực pháp luật nào đang khiến người dân quan tâm, bức xúc? Và năm 2015 vừa qua, HLGVN đã triển khai bảo vệ họ như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch HLGVN:  Có thể nói, lĩnh vực đất đai, dân sự là những vấn đề mà dân mình đang vướng mắc rất nhiều. Tuy nhiên, không vì thế mà hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý của Hội lơ là các lĩnh vực khác.

Để tập trung hỗ trợ nhân dân, năm 2015 vừa qua, các trung tâm tư vấn pháp luật của Hội đã triệt để đẩy mạnh hoạt động, công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý đã được các trung tâm thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn trên các kênh truyền hình trung ương, địa phương và mở các chuyên mục riêng trên các báo, bản tin pháp luật của Hội... Theo báo cáo của 51 tỉnh, thành hội, các trung tâm tư vấn pháp luật đã thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý được 127.648 vụ việc.

Bên cạnh đó, Hội luôn nỗ lực và chủ động để hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng như các cơ quan Nhà nước khác nhằm triển khai các hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt như người nghèo; người bị tạm giữ, tạm giam; người nhiễm HIV... Cụ thể, cuối tháng 12 năm 2014, Hội đã chính thức khai trương đường dây tư vấn pháp luật miễn phí 18001029, tư vấn cho người nhiễm HIV và đối tượng thuộc nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cả nước. Với người bị tạm giữ, tạm giam, theo báo cáo của 51 tỉnh, thành, trong năm các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh đã tham gia phổ biến, tư vấn pháp luật tại trại giam cho 8006 đối tượng là phạm nhân, các đối tượng sắp chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng...

Phóng viên: Không chỉ đóng góp nhiều hoạt động quan trọng cho hoạt động trong nước, năm qua  HLGVN tiếp tục mở rộng tăng cường hoạt động đối ngoại. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc một số thông tin liên quan đến công tác đối ngoại của Hội năm 2015? Công tác đối ngoại có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của Hội trong hiện tại và tương lai, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch HLGVN: Đất nước đang từng bước hòa mình vào quỹ đạo phát triển chung của thế giới, HLGVN cũng không thể đứng ngoài vòng xoay ấy. Năm qua, với phương châm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, Hội đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác Quốc tế với HLG Ấn Độ, Đoàn luật sư bang Carlifornia (Hoa Kỳ). Bên cạnh đó, để nâng cao uy tín của HLG trên trường quốc tế, Hội đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và Hiệp hội luật các nước ASEAN (ALA). Ngoài ra, nhằm nâng cao năng lực công tác cho cán bộ hội viên, năm vừa qua, Hội đã tổ chức các Đoàn đi khảo sát, làm việc tại nước ngoài và đón Đoàn nước ngoài về làm việc... Bên cạnh những ý nghĩa to lớn nói trên, việc mở rộng hợp tác quốc tế còn giúp HLGVN liên hệ và tập hợp các Hội viên của mình đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, tạo điều kiện để các Luật gia này hoạt động ở nước sở tại cũng như đưa các Luật gia này về gần hơn với quê hương.

[caption id="attachment_134804" align="aligncenter" width="410"]Hình ảnh Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa HLG Việt Nam và HLG Ấn Độ diễn ra ngày 15.12.2015 Hình ảnh Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa HLG Việt Nam và HLG Ấn Độ diễn ra ngày 15.12.2015[/caption]

Phóng viên: Bên cạnh những thành quả đạt được nói trên, hoạt động của Hội trong năm 2015 còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nào thưa ông? Năm 2016, Hội chủ trương thực hiện những biện pháp gì để khắc phục những hạn chế nói trên?

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch HLGVN : Năm 2015, hoạt động của Hội đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó, một số mặt hoạt động của Hội cũng còn những hạn chế, bất cập, trong đó có một số vấn đề nổi lên như: công tác xây dựng và phát triển tổ chức hội còn chậm so với yêu cầu; nhiều cơ quan, tổ chức ở trung ương đã thành lập Chi hội Luật gia nhưng hoạt động kém hiệu quả, mang tính hình thức, chưa phát huy được vai trò và trách  nhiệm của hội viên; ở một số cấp hội, việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác vẫn còn chậm, chưa toàn diện và đồng bộ. Một số mặt hoạt động như: tư vấn giải quyết khiếu nại; giám sát, phản biện xã hội chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy chưa có kết quả rõ nét...

Với quan điểm “con người luôn là yếu tố quyết định”, sang năm 2016, Hội sẽ có những kế hoạch cụ thể để kiện toàn bộ máy cán bộ, đầu tư phát triển hội viên cả về số lượng lẫn chất lượng. Khi xây dựng được đôi ngũ cán bộ hội viên vững về chuyên môn, linh hoạt, sáng tạo trong công tác, tôi tin rằng những hạn chế nêu trên sẽ từng bước được khắc phục.

Phóng viên: Năm 2016, đất nước ta có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đặc biệt là 2 sự kiện chính trị lớn được người dân cả nước và bạn bè quốc tế đặc biệt quan tâm: Đại hội Đảng XII; Bầu cử Quốc Hội  khóa XIV. Xin ông cho biết HLGVN sẽ có những hoạt động thiết thực nào hướng tới và chào mừng 2 sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng này của đất nước?

Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch HLGVN :  Để thiết thực chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, năm 2016, HLGVN sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Tiếp tục tham gia, đóng góp vào việc xây dựng chính sách pháp luật với trách nhiệm cao; Tăng cường công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc biệt và các đối tượng đặc thù; Thực hiện tiếp giai đoạn hai của Đề án 1133 của Chính phủ về xã hội hóa công tác giáo dục và phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý; Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng;  Xây dựng và ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Trưng cầu ý dân; Tham gia hiệu quả vào cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên và hòa giải ở cơ sở; Tăng cường hệ thống tổ chức hội, tăng cường kết nạp hội viên vững về trình độ chuyên môn; Tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế; Củng cố, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản trực thuộc Trung ương Hội trong công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Hội; Ban hành kế hoạch công tác thi đua, khen thưởng năm 2016 ngay từ đầu năm để công tác thi đua, khen thưởng của Hội được thực hiện ngày càng hiệu quả.

Đặc biệt , ngay sau Đại hội XII của Đảng, HLGVN sẽ nghiên cứu, quán triệt nghị quyết Đại hội XII để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống các cấp Hội luật gia trong toàn quốc. Thực hiện việc tuyên truyền các Luật bầu cử QH và Hội đồng nhân dân và phục vụ tốt công tác bầu cử Quốc hội. Tiến hành tổng kết việc thực hiện Đề án 1133 của Chính phủ về xã hội hóa công tác giáo dục và phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý.

Phóng viên: xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Nhóm PV Nội chính ( thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ts-nguyen-van-quyen-chu-tich-hoi-luat-gia-vn-tra-loi-phong-van-tap-chi-phap-ly-phat-huy-vai-tro-cua-hoi-luat-gia-vn-trong-cac-hoat-dong-xay-dung-va-thuc-thi-phap-luat-a134801.html