(Pháp lý) - Nếu như mấy năm trước cuốn “Chuyện tình của các chính khách Việt Nam” của 2 nhà văn Nguyệt Tú và Nguyệt Tĩnh đã gây chú ý và được rất nhiều bạn đọc tìm đọc, thì mới đây bộ phim “Trọn nghĩa thủy chung” ( phim về mối tình đầu tiên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) của đạo diễn Phan Minh Sơn cũng cuốn hút và gây tiếng vang không kém.
[caption id="attachment_134718" align="aligncenter" width="410"]
Ông Phan Minh Sơn – Đạo diễn bộ phim “Trọn nghĩa thuỷ chung” trao đổi với Phóng viên PL[/caption]
Trước thềm Xuân mới, đạo diễn Phan Minh Sơn đã “bật mí” với Phóng viên Pháp Lý về cơ duyên của ông với “mối tình đầu tiên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt”
Phóng viên: Thưa đạo diễn, xin đạo diễn cho biết những cảm xúc của ông trước và khi bộ phim “Trọn nghĩa thuỷ chung” được công chiếu?
Đạo diễn Phan Minh Sơn: Tất nhiên là mình phải có cảm xúc, có tình cảm với nhân vật trong chuyện phim thì mới kể câu chuyện thành hình ảnh một cách sống động được, cho dù đó là nhân vật hư cấu, hay dựa theo đời tư của nhân vật lịch sử…. Ngoài yếu tố kịch bản, phim đáng xem hay không, có người xem hay không một phần quan trọng là do sự nhào nặn của đạo diễn…
Nội dung phim nói về mối tình gây xúc động lòng người của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Hiếu) với người vợ đầu là bà Nguyễn Thị Kim Hạnh. Đạo diễn có chia sẻ, đánh giá gì về kịch bản bộ phim này?
Ở đây, chúng ta nên thống nhất với nhau rằng, bộ phim TNTC được nhà văn Nguyễn Đông Thức viết dựa theo những chi tiết, tình tiết về đời tư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhiều nhất là dựa theo mối tình đầu của ông với người vợ đầu là bà Trần Kim Anh. Nhận vật nam chính trong phim là Phan Văn Hiếu (Sáu Hiếu) và nhân vật nữ chính là Trần Thị Kim Hạnh. Câu chuyện phim được xử lý qua hồi tưởng của nhân vật Sáu Hiếu khi về già, nội dung chính của phim xoay quanh chuyện tình của 2 nhân vật này trải dài khoảng hơn 20 năm từ khi nhân vật Sáu Hiếu tham gia khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 đến khi vợ và hai người con bị máy bay Mỹ bắn chìm đò trên sông Sài Gòn…
Có thể nói, cuộc đời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngồn ngộn chất liệu để làm phim. Tuy nhiên, trong điều kiện cho phép của bộ phim truyền hình với độ dài hơn 150 phút, chúng ta không thể chuyển tải hết được, cho nên tác giả kịch bản đã chọn lọc những chi tiết, tình tiết phù hợp và có thể thực hiện được để đưa vào chuyện phim…
Được biết 2 nhà văn Nguyệt Tú và Nguyệt Tĩnh đã từng viết cuốn “Chuyện tình của các chính khách Việt Nam”, trong đó có nhiều chuyện tình của những chính trị gia nổi tiếng như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo,… Tại sao đoàn làm phim lại chọn kịch bản “Mối tình đầu tiên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt” mà không phải một mối tình của chính trị gia khác? Thưa ông?
Đơn giản vì quê hương cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Phim TNTC do Đài truyền hình Vĩnh Long đầu tư thì điều đó là hiển nhiên. Đạo diễn cũng chỉ là một trong thành phần của đoàn làm phim được nhà sản xuất thuê …
Thưa đạo diễn, ông từng làm rất nhiều phim, trong đó ông gặp và biết về rất nhiều mối tình đẹp. Theo ông thì mối tình của cố Thủ tướng có điều gì khác biệt?
Có thể khẳng định chuyện tình của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà Trần Kim Anh là một chuyện tình đẹp - không tiểu thuyết hóa mà cũng không lãng mạn theo kiểu áp đặt, hay nâng quan điểm… Còn đẹp đến mức nào thì các bạn có thể đọc sử liệu hay xem phim sẽ rõ về sự chân chất, mộc mạc theo đúng nghĩa của nó…
Có thể nói đây là phim truyện đầu tay của tôi. Trước giờ tôi chỉ làm phim tài liệu, đây là một cơ hội cũng là một cái duyên của tôi với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt… Thập niên 90, khi tôi còn là một nhà báo, tôi đã có nhiều lần tháp tùng với ông Võ Văn Kiệt trong các chuyến ông về làm việc tại Bến Tre.
Có một lần, tôi nhớ như in, ông đến viếng mộ ông Phan Thanh Giản... Ông Võ Văn Kiệt xúc động và tôi cũng lắm nỗi niềm (tôi có dòng họ với ông Phan Thanh Giản ) vì trong tâm thức của tôi người nằm dưới mộ kia còn có một nỗi oan khuất mà do nhiều yếu tố lịch sử chưa thể phân giải - tôi yêu cầu anh quay phim quay nhiều hơn mức cần thiết cho một bản tin truyền hình… Năm sau tôi có dịp thực hiện bộ phim tài liệu “Phan Thanh Giàn trong lòng nhân dân Nam bộ”, tôi đã sử dụng tự liệu đó và tìm phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt xoay quanh cách hành xử của các nhà yêu nước thời kỳ đầu khi Pháp xâm lược Việt Nam…
[caption id="attachment_134719" align="aligncenter" width="410"] Đạo diễn Phan Minh Sơn (người bên tay phải) đang hướng dẫn cho diễn viên[/caption]
Lần thứ hai tôi có cơ duyên với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi được đạo diễn đàn anh mà tôi xem như người thầy là NSUT Hồ Ngọc Xum giao cho kịch bản TNTC của nhà văn Nguyễn Đông Thức với yêu cầu tôi biên tập lại cho phù hợp với phim truyện truyền hình… Như là gặp đúng mạch nguồn của cảm xúc tôi đã đọc tư liệu về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và xử lý kịch bản cho phù hợp với một phim truyện truyền hình trong điều kiện kinh phí cho phép của một đài truyền hình địa phương…Đến khi cuối tháng 9/2015, thêm một cơ duyên nữa khi Đài Vĩnh Long yêu cầu thực hiện gấp để dự liên hoan phim tryền hình tháng 11/2015, anh Hồ Ngọc Xum bận… và anh đã tin tưởng giao cho tôi đạo diễn bộ phim này… Âu cũng là cơ duyên của tôi với người đã khuất…
Đạo diễn có những mong muốn truyền tải thông điệp gì của bộ phim đến khán giả xem phim?
Tính nhân văn của chuyện phim. Đọc qua hồi ký, tham khảo những tư liệu về ông Võ Văn Kiệt ta thấy rõ chất nhân văn trong con người ông. Mọi người đều hiểu về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt điều hiểu ông là một con người phóng khoáng, hào sảng. Không chỉ với gia đình, với đồng đội mà cả những người đã cưu mang ông, ông đều trước sau nhất nhất nghĩa tình trọn vẹn, …
Quá trình làm cách mạng của ông từ năm 1940 cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, ông sống gần gũi với nhân dân, ông đã chia ngọt, xẻ bùi trong những năm chiến tranh cũng như những tháng năm khó khăn sau ngày hòa bình. Ông không hô hào lý luận suông, đã quyết thì phải làm đến nơi đến chốn đã trở thành nguyên tắc sống và làm việc của ông.
Ở nước ngoài, chuyện tình của các chính khách được người dân và giới truyền thông rất quan tâm. Còn ở Việt nam, theo đạo diễn vấn đề này đã được “cởi mở” ?
Quan tâm và cởi mở là hai việc khác nhau. Ở đâu cũng vậy, đời tư nhất là chuyện tình của các nhân vật lịch sử, chính khách, người nổi tiếng đều được công chúng quan tâm. Chính vì công chúng quan tâm nên giới truyền thông, phim ảnh… mới khai thác. Cách khai thác đời tư của nhân vật lịch sử, chính khách như thế nào, liều lượng ra sao còn tùy vào tiêu chí, mục đích của các tờ báo hay kênh truyền thông. Còn mức độ cởi mở cỡ nào còn tùy thuộc vào các qui định của luật báo chí, xuất bản…
Sau bộ phim “Trọn nghĩa thuỷ chung” này đạo diễn có dự định làm tiếp phim về những mối tình của các chính trị gia nổi tiếng khác?
Cũng có một vài dự định nhưng còn tùy thuộc rất nhiều vào nhà đầu tư. Phải nói thẳng ra rằng, đây là dòng phim rất kén khán giả, đầu tư tốn kém nhưng lợi nhuận thì hầu như bằng không. Hơn thế nữa, việc tiểu thuyết hóa các nhân vật lịch sử để tạo nên một kịch bản phim có kịch tính còn nhiều hạn chế do các góc nhìn về chính trị, văn hóa… Trừ một số đơn vị đài truyền hình, hãng phim Nhà nước thi thoảng phục vụ yêu cầu chính trị, chớ ít ai chịu đầu tư cho dòng phim này. Nên cho dù có muốn làm cũng là điều chưa thể nói …
Xin trân trọng cảm ơn Đạo diễn!
Lê Liên
Link nội dung: https://phaply.net.vn/dao-dien-phan-minh-son-va-co-duyen-voi-moi-tinh-dau-tien-cua-co-thu-tuong-vo-van-kiet-a134717.html