Tổng bí thư: 'Không kỷ cương đất nước sẽ rối loạn'

Khẳng định Đảng luôn thực hiện mục tiêu dân chủ, không độc đoán và cần giám sát quyền lực, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh đất nước cần siết chặt kỷ cương.

Mái tóc bạc trắng quen thuộc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tươi cười xuất hiện trong cuộc họp báo sau phiên bế mạc Đại hội Đảng lần thứ XII trước hàng trăm ký giả trong và ngoài nước, sẵn sàng trả lời "mọi câu hỏi".

- Xin ông cho biết cảm nghĩ của mình khi tiếp tục được bầu làm Tổng bí thư?

- Tôi cũng không ngờ mình được bầu làm Tổng bí thư của Đảng, gần như 100% tuyệt đối. Bất ngờ vì tuổi tôi đã cao rồi, sức khoẻ và trình độ có hạn. Tôi đã xin nghỉ, nhưng trách nhiệm của Đảng giao, tôi là đảng viên phải thực hiện. Tôi xúc động trước tình cảm anh em, bạn bè trong nước nhắn gửi, giao trách nhiệm cho chúng tôi. Vì công việc sắp tới nặng nề, diễn biến tình hình thế giới phức tạp nên có rất nhiều việc phải làm. Trách nhiệm của chúng tôi là rất lớn.

[caption id="attachment_134679" align="aligncenter" width="410"]"Tôi đã xin nghỉ nhưng trách nhiệm đảng giao tôi phải thực hiện". Ảnh: Nhật Minh. "Tôi đã xin nghỉ nhưng trách nhiệm đảng giao tôi phải thực hiện". Ảnh: Nhật Minh.[/caption]

- Kết quả bầu cử vừa rồi có đúng phương án nhân sự khoá XI đã đề xuất?

- Tôi xin đảm bảo hoàn toàn đúng phương án nhân sự. Phương hướng là tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng, cơ cấu, trẻ, già, nam nữ. Như vậy đảm bảo đúng phương hướng, tiêu chuẩn. Còn cụ thể chọn ai thì khoá cũ giới thiệu, ra Đại hội giới thiệu thêm. Nếu cá nhân được đề cử xin rút, theo quy chế, Đoàn Chủ tịch sẽ xem xét đưa ra chính kiến còn Đại hội quyết định. Sau đó lập phiếu có số dư không quá 30%; xin ý kiến bằng phiếu kín, rồi mới lập danh sách bầu cử. Như vậy vừa tôn trọng ý kiến đề cử của khoá trước, vừa tôn trọng ý kiến đại biểu. Có đồng chí Trung ương giới thiệu không trúng, Đại hội giới thiệu lại trúng. Vừa rồi có đại biểu nói với tôi: "Đại hội này dân chủ đến thế là cùng".

- Khoá XI có nhiều đổi mới như chất vấn trong đảng, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt, vậy hướng đổi mới trong Trung ương khoá XII như thế nào?

- Nhiệm kỳ vừa qua có nhiều cái mới: thực hiện nghị quyết Trung ương 4, lần đầu tiên trong lịch sử lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng. Sau đó là trong Quốc hội, các cơ quan. Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cũng là lần đầu tiên chúng ta thực hiện. Đây là sự chuẩn bị cho Đại hội XII thành công. Lần đầu tiên bầu một lần được 19 người vào danh sách Bộ Chính trị với số phiếu rất cao.

Đại hội này cũng chỉ một lần bầu được luôn 180 uỷ viên chính thức, 20 uỷ viên dự khuyết với số phiếu cao. Người thấp nhất cũng được 62%, không khí rất phấn khởi.

[caption id="attachment_134680" align="aligncenter" width="410"] Danh sách Bộ Chính trị khóa XII.
Danh sách Bộ Chính trị khóa XII.[/caption]

- Tổng Bí thư nói tuổi đã cao, vậy trong nhiệm kỳ này ông có kế hoạch, lộ trình để tìm kiếm người tài đức kế nhiệm và nếu có thì thời gian thực hiện khoảng bao lâu?

- Nhiều người chúc mừng, tôi cảm ơn nhưng không biết là chúc mừng hay chúc lo vì thời gian tới nhiều việc phải làm. Làm sao để đào tạo được đội ngũ kế nhiệm, Đảng cũng đã nói rồi, phải liên tục đào tạo đội ngũ trẻ. Giống như tre cần có ba lớp, lớp măng mọc, bánh tẻ và lớp già. Lo trách nhiệm đào tạo cán bộ trẻ là chiến lược lâu dài. Vừa qua Đảng đã làm được nhưng còn phải làm tiếp, tỷ lệ trẻ cần phải làm nhiều hơn. Cần quan tâm chăm lo đến tài năng trẻ. Trong Ban Chấp hành trung ương tỷ lệ tốt nghiệp đại học, trên đại học rất nhiều. Nhân tài không thiếu, người trẻ không thiếu mà họ lại được tiếp xúc với phương tiện thông tin hiện đại.

Còn bạn hỏi bao giờ xong thì theo tôi việc này cần có kế hoạch, có lộ trình. Nếu nói 2-3 hay 5 năm tôi sợ rằng không khả thi và có cái gì đó ảo tưởng.

- Khi nhận nhiệm vụ Tổng bí thư khoá XI, ông cho rằng chất vấn trong Đảng là hoạt động đảm bảo dân chủ, tuy nhiên hoạt động này diễn ra còn khá ít. Vậy chất vấn sẽ được thực hiện như thế nào ở khóa XII, thưa ông?

- Việc chất vấn trong Đảng đúng là nội dung quan trọng để phát huy mạnh mẽ hơn dân chủ, cũng là hình thức giám sát của các đồng chí trong Ban Chấp hành trung ương với lãnh đạo.

Chất vấn là một hình thức hỏi và trả lời, có cái để làm rõ thêm, có cái để xem trách nhiệm đến đâu. Hội nghị trung ương nào cũng có chủ trương chất vấn và trả lời chất vấn. Tất nhiên số lượng chưa nhiều. Bản thân tôi cũng được chất vấn, trả lời trực tiếp ngay tại hội nghị. Chất vấn xong thì cũng giải toả được một số tâm tư và giải đáp được một số thắc mắc, quan hệ anh em đồng chí tốt hơn.

Sắp tới, theo quy chế làm việc vẫn tiếp tục chất vấn. Những công việc đang tiến hành mà Nghị quyết Hội nghị trung ương 4 khoá XI đề ra, tôi vẫn nói phải kiên trì, kiên quyết thực hiện, không phải làm một lần mà xong, như quy hoạch cán bộ cấp trung ương, đào tạo lựa chọn cán bộ, cố gắng tạo điều kiện cho anh em trẻ được làm lãnh đạo nhiều hơn.

Lần này người trẻ vào Bộ Chính trị rất nhiều, 19 người được bầu có 7 người ở lại còn phần đông là trẻ. Đồng chí Võ Văn Thưởng mới sinh năm 1970, có 3 nữ trong Bộ Chính trị - rất bình đẳng giới, điều này chưa bao giờ có.

Những việc Nghị quyết trung ương 4 chưa làm được thì phải làm tiếp, nhất là trong công tác cán bộ và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, việc giám sát quyền lực để kiểm soát, hạn chế được tham nhũng, lãng phí.

[caption id="attachment_134681" align="aligncenter" width="410"] "Bao nhiêu đoàn thể, tổ chức chính trị ra đời, nhưng vẫn phải có kỷ cương". Ảnh: Nhật Minh.
"Bao nhiêu đoàn thể, tổ chức chính trị ra đời, nhưng vẫn phải có kỷ cương". Ảnh: Nhật Minh.[/caption]

- Dưới sự lãnh đạo của mình, ông có nghĩ Việt Nam sẽ trở thành nước giàu mạnh, dân chủ hơn?

- Câu hỏi này mang tầm chiến lược xa quá. Cá nhân tôi là một phần trong tập thể. Cá nhân không thể độc đoán chuyên quyền, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nhưng đồng thời cũng phải đề cao trách nhiệm của cá nhân. Đứng đầu mà độc đoán, chuyên quyền, như vậy có gọi là dân chủ không?

Sắp tới đất nước có giàu mạnh hơn không? Khẩu hiệu của chúng tôi là phát triển dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp.

Hiện nay, bao nhiêu đoàn thể, tổ chức chính trị ra đời, nhưng vẫn phải có kỷ cương. Đất nước không có kỷ cương thì rối loạn, mất ổn định, như vậy Việt Nam không thể phát triển.

Cuộc họp báo kết thúc sau 30 phút. Nhiều cánh tay tiếp tục giơ lên. Tổng bí thư cho biết rất muốn trả lời hết câu hỏi nhưng nhiều việc đang đợi nên không thể tiếp tục. Ông cho rằng trao đổi với báo chí cũng là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo Vnexpress

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tong-bi-thu-khong-ky-cuong-dat-nuoc-se-roi-loan-a134678.html