Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khó, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã sản sinh ra hàng trăm nghìn nghệ sĩ, chiến sĩ cách mạng.
Và trong những ngày Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng người ta lại nhớ đến một người nhạc sĩ mà đã hơn nửa thế kỷ nay, kể từ năm 1959, năm 1960, năm 1980 ba mùa xuân tưng bừng và say đắm, ông đã ghi dấu ấn trong âm nhạc bằng ba ca khúc hay về Đảng: “Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng”, “Đảng cho ta cả một mùa xuân”, “Màu cờ tôi yêu”. Nói như nhà phê bình lý luận âm nhạc Thụy Kha: “Ba bài hát về Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên là cỗ xe tam mã hướng người ta về một lý tưởng cao đẹp…”.
[caption id="attachment_134477" align="aligncenter" width="410"]
Nhạc sĩ Phạm Tuyên.[/caption]
Nhạc sĩ Phạm Tuyên năm nay đã 86 tuổi, dáng ông cao dong dỏng, nhanh nhẹn, đôi mắt vẫn sáng tinh anh. Kể từ sau khi vợ ông qua đời, ông sống một mình trong căn hộ ở khu tập thể Vạn Bảo, Hà Nội. Hằng ngày có chị giúp việc đến nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa giúp ông. Ông có hai cô con gái, thỉnh thoảng chạy qua xem cha như thế nào.
Ông tiếp tôi tại gian phòng toàn những sách là sách. Tủ sách màu nâu dài quây kín hơn nửa gian phòng, cao từ sàn cho đến tận trần nhà. Đó là sách văn học, lịch sử, âm nhạc, triết học… Tôi nhìn ra ban công nơi có ánh nắng vàng lung linh chiếu vào ô cửa nhỏ và hỏi: "Bác ơi, có nhiều nhạc sĩ có những bài hát hay về Đảng, nhưng ba bài hát của bác rất đặc biệt, được nhiều người chú ý hơn cả, được bác sáng tác trong hoàn cảnh nào ạ?”. Ông chậm rãi bảo: "Mùa xuân của tôi gắn với Đảng. Ngày thành lập Đảng đúng vào mùa xuân mà mùa xuân lại vào dịp Tết".
Ông ngừng lời đến bên giá sách lấy xuống một cuốn vở rất dày và to, ông giở cho tôi xem những bản nhạc, bài hát do ông viết tay. Ông bảo: "Có ba cái Tết đáng nhớ gắn với sự nghiệp của tôi, cuộc đời tôi”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên bồi hồi nhớ lại những tháng ngày đã qua. Năm 1959, đất nước kỷ niệm 29 năm Ngày thành lập Đảng 3-2, đó là lần đầu tiên tôi viết bài hát về Đảng. Bài hát có tên là "Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng". Bài hát ngắn thôi nhưng câu chữ giản dị được viết ra từ một thanh niên được giác ngộ đi theo lý tưởng cách mạng, đầy nhiệt huyết: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Trước như tuổi thơ tôi nào biết đường. Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước. Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông. Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Đảng ta ơi, cám ơn Người dạy dỗ. Từ đây lòng tôi sướng vui đau khổ. Và tình yêu căm giận hóa lời ca. Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà. Đảng của tôi ơi, Người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Từng đấy câu thôi nhưng ngay khi ca khúc ra đời đã được các ca sĩ thể hiện trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
[caption id="attachment_134478" align="aligncenter" width="357"]
Bản thảo ca khúc “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.[/caption]
Chỉ một năm sau, gần vào dịp Tết Canh Tý năm 1960, không khí đón mùa xuân rất tưng bừng, năm đấy cũng là dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1960) nhưng chưa có nhạc sĩ nào viết ca khúc về Đảng trong những năm miền Bắc mới giải phóng.
Tôi đang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, các bạn ở Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội gặp bảo: "Tết này kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng lại vào đúng mùa xuân, anh nên có một bài hát cho tươi vui để đón mùa xuân". Tôi nghĩ chỉ viết riêng bài về Đảng thì không có gì đặc biệt nhưng Đảng kết hợp với mùa xuân đấy là một ý rất hay, viết ca khúc về mùa xuân không cần phải ồn ào, âm nhạc phải nhẹ nhàng, tươi tắn, tha thiết nhưng đầy tình cảm, đầy hy vọng thì mới truyền cảm. Ý tưởng nảy ra viết về mùa xuân như thế nào để kết hợp được với Ngày thành lập Đảng?! Lúc đấy tôi nhớ đến một câu nổi tiếng của một chiến sĩ Cộng sản Pháp Paul Vaillant Couturier: "Chủ nghĩa Cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới". Chủ nghĩa Cộng sản như mùa xuân của nhân loại, từ ý câu nói nổi tiếng ấy tôi kết hợp với mùa xuân của đất nước chúng ta và tên bài hát ra đời: "Đảng cho ta cả một mùa xuân".
Khi viết bài hát tôi mang tâm trạng công dân của một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh được đón mùa xuân trong hòa bình, tôi kết câu của bài hát: "Bạn ơi mùa xuân khắp nơi tươi đẹp quá khi lý tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta". Kết hợp Đảng với mùa xuân nên bài hát khi đưa ra phù hợp với không khí ngày xuân. Đây là ca khúc cộng đồng, không mang tính chất chính luận nhiều nên mọi người hát rất vui.
Vậy là kể từ Tết năm ấy cho tới nay, cứ mỗi mùa xuân đến, đã hơn 50 năm rồi nhưng nhiều nơi sinh hoạt âm nhạc, tuổi trẻ vẫn hát bài "Đảng cho ta cả một mùa xuân" thì đấy là phần thưởng lớn với người sáng tác.
Năm 1975 đất nước thống nhất, tôi vào TP Hồ Chí Minh, các nhạc sĩ trong đó nói: "Chúng tôi sinh hoạt ở trong này vẫn hát bài hát “Đảng cho ta cả một mùa xuân" của anh, tôi cười. Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu quen với tôi từ trước (nay anh đã mất), bảo với tôi: "Chúng tôi ở trong này rất thú vị khi nghe một bài hát tưởng như bài chính luận viết về chủ đề chính trị nhưng âm điệu ca từ rất nhẹ nhàng, tha thiết”. Tôi trả lời anh: "Lúc sáng tác bài hát này tôi mới 29 tuổi, mùa xuân có thể viết về các chủ đề khác nhau nhưng đối với một người suốt cả thời tuổi trẻ của mình gắn liền với những năm kháng chiến, tôi luôn luôn nhớ lúc ấy chỗ nào gian khổ nhất, đòi hỏi sự hy sinh quyết liệt nhất thì tôi thấy ở đấy có những đảng viên. Tôi viết “Đảng cho ta cả một mùa xuân” với tất cả tình cảm tấm lòng của người sáng tác”.
Nhưng phần thưởng lớn nhất là năm 2000, Đài Tiếng nói Việt Nam lấy ý kiến mọi người đánh giá các bài hát về Đảng, hai bài hát của tôi được vào tốp 10 bài hát hay, đó là bài "Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng" viết năm 1959, và bài "Đảng cho ta cả một mùa xuân" viết năm 1960.
Sau bài hát "Đảng cho ta cả một mùa xuân" đến 20 năm sau, tôi lại có một kỷ niệm đặc biệt khó quên khác, nó gắn liền với sự nghiệp sáng tác của tôi. Năm 1980, tôi lại có dịp vào TP Hồ Chí Minh. Tại đây, tôi gặp nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền - (lúc ấy anh giữ chức Phó tổng thư ký Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh). Diệp Minh Tuyền là người thế hệ sau tôi. Hai anh em bàn với nhau: Sắp tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng, bây giờ viết về mùa xuân về Đảng khó lắm bởi lẽ đất nước ta chưa đổi mới, Đảng còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vào mùa xuân mình phải nhắc nhở mọi người gắn bó với nhau, phải đoàn kết hơn để thêm yêu đất nước, điều đó rất cần.
Sau khi tôi và Diệp Minh Tuyền trao đổi với nhau, đến ngày tôi ra Hà Nội, Tuyền tiễn tôi ra tận sân bay, dưới cái nắng vàng của bầu trời thành phố, Tuyền hăng hái bảo: "Em có bài thơ về Đảng, anh xem xem nhân dịp Tết Canh Thân 1980 sắp tới có được bài này thì hay". Ngồi trên máy bay, tôi giở bài thơ của Tuyền ra đọc, tự nhiên mình thấy đồng cảm với suy nghĩ trong bài thơ ấy. Và cứ thế, trong đầu tôi vẳng lên giai điệu theo nhịp thơ lục bát. Trong hành trình chuyến bay hôm đấy, trong tôi chỉ có bài thơ của Tuyền và âm nhạc cứ vang lên trong đầu tôi, tôi lấy giấy bút ra phác họa luôn. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, tôi đã viết xong bản nhạc ấy. Ca khúc có tên "Màu cờ tôi yêu". Bài hát viết về Đảng nhưng không có chữ Đảng nào trong ca khúc, phù hợp với không khí của cả nước đón mùa xuân trong giai đoạn đòi hỏi Đảng phải có những đổi mới để phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Tôi nhớ Tết năm ấy (năm Canh Thân 1980), hai giọng hát rất quen thuộc với mọi người, Lê Dung và Thanh Hoa đã xin hát bài này và được phát trên Đài Truyền hình trong dịp Tết. Trước khi phát sóng, hai cô qua chỗ tôi hát ghép nhạc cho nhạc sĩ nghe trước. Tôi hỏi hai cô thấy đoạn nào cần nhấn mạnh trong ca khúc này? Hai cô cười nói: "Cả bài này đoạn nào bọn em cũng rất thích, nói về Đảng nhưng rất nhẹ nhàng". Tôi bảo: "Nếu mà hỏi tôi, tôi nhấn mạnh câu này: Suốt đời lòng dặn giữ lời/ Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau. Câu lục bát ấy nhắc một điều lúc này Đảng đang gặp nhiều khó khăn, đương cần phải đổi mới, chúng ta phải đoàn kết lại để tạo điều kiện cho sự đổi mới phát triển nhanh. Khi Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh, ở đúng câu tôi nói cho hai cô nghe, cả hai đều hát chậm lại và nhấn mạnh…”. Dừng lời, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhìn ra ô cửa sổ, ánh nắng vàng vẫn lung linh sáng, gió xuân nhè nhẹ.
NSND Lê Dung, giọng ca vàng opera Việt Nam đã trở về nơi cát bụi cách đây đã 15 năm, còn NSND Thanh Hoa từ lâu đã quay sang với vai trò quản lý, chị rất hãn hữu đứng trên sân khấu với vai trò ca sĩ. Ca khúc về Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên giờ đã trao tay qua bao thế hệ ca sĩ trẻ nối tiếp thể hiện.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên, tiếp tục trải lòng: “Mỗi một lần mùa xuân đến, tôi lại nghe các ca khúc do mình sáng tác về Đảng, về mùa xuân trên Đài Truyền hình hay Đài Phát thanh. Tôi thường nói với mọi người khi được hỏi về 3 ca khúc này: "Tôi không nhân danh đảng viên hay ai cả mà tôi viết với tư cách của một người công dân. Mỗi khi mùa xuân đến chúng ta đã có được một mùa xuân hòa bình như hôm nay vì chúng ta đã trải qua bao nhiêu mùa xuân gian khổ trong những năm kháng chiến trường kỳ. Cũng là mùa xuân cả thôi, nhưng mỗi mùa xuân chúng ta lại trải qua biến động của thời khắc lịch sử mới.
Nhắc lại câu nói của người chiến sĩ Pháp: "Chủ nghĩa Cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới", câu nói ấy hướng người ta đến mùa xuân đẹp nhất của nhân loại. Tết sắp tới tôi lại tiếp tục nghe những bài hát không chỉ của tôi viết về Đảng, mà các bài hát về mùa xuân của nhiều tác giả khác để cho mọi người thấy mỗi mùa xuân tới mang cho chúng ta những cảm xúc mới, tràn trề ước mơ hy vọng để góp phần thêm tin yêu cuộc sống và vững vàng xây dựng đất nước”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên tay run run lật giở những trang nhạc do mình tự tay kẻ dòng, chép lời trên quyển vở dày mà ông quý như báu vật. Đó chính là gia tài đồ sộ của người nhạc sĩ. Một gia tài không tiền bạc nào có thể mua được, một gia tài mà ở đó được viết lên, chắt lọc từ máu và nước mắt, niềm tin và lý tưởng, cả cái nhìn đầy tính nhân văn, nhân ái của một người nhạc sĩ tài hoa.
Theo An Ninh Thế Giới
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhac-si-pham-tuyen-va-chuyen-ve-co-xe-tam-ma-a134476.html