Trung tướng Trần Văn Độ: Tội phạm kinh tế đang rất lộng hành, cần thay đổi tư duy đánh án tham nhũng

(Pháp lý) - “Chúng ta quyết tâm chống tham nhũng nhưng quan tham cũng quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội. Tội phạm tham nhũng vì thế mà ngày càng tinh vi và khó đối phó” – Đó là phát biểu của Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh tại một cuộc Hội thảo về phòng chống tham nhũng. Phát biểu nói trên đã cho thấy phần nào những khó khăn của công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Mới đây, Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cũng mới được Quốc hội chính thức thông qua. Nhiều quy định trong các Bộ luật sửa đổi này được đánh giá là sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công cuộc đấu tranh với tội phạm tham nhũng. 

Trước những diễn biến khó lường của tội phạm tham nhũng và những điểm mới đáng chú ý trong hệ thống luật, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án TAQSTW về công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng trong tình hình mới.

[caption id="attachment_134161" align="aligncenter" width="410"]PGS.TS Trung tướng Trần Văn Độ – nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Tòa án quân sự TW trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý PGS.TS Trung tướng Trần Văn Độ – nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Tòa án quân sự TW trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý[/caption]

Tội phạm kinh tế đang rất lộng hành

Phóng viên:  Nhìn lại những đại án kinh tế, đặc biệt là 8 đại án đã và sẽ được đưa ra xét xử trước thềm ĐH Đảng XII, ông có nhận xét gì về tình hình diễn biến của nhóm tội phạm kinh tế trong thời gian gần đây? 

PGS.TS Trung tướng Trần Văn Độ: Trước thềm đại hội Đảng, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương đã họp và ra quyết định đưa 8 vụ đại án kinh tế ra xét xử sơ thẩm. Nhìn lại 8 đại án đó cùng nhiều vụ vi phạm khác trong lĩnh vực kinh tế, có thể thấy, tội phạm kinh tế ở nước ta đang rất lộng hành. Sở dĩ có hiện tượng “lộng hành” nói trên vì nước ta đang trên đà phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chính sách pháp luật về quản lý kinh tế thì chưa thật phù hợp, chưa thực sự sát với thực tiễn. Do đó, có nhiều kẽ hở để người làm kinh tế lách luật, làm lũng đoạn nền kinh tế, thu lợi cho cá nhân, tổ chức mình.

Bàn về công tác chống tham nhũng năm 2015, có hai luồng quan điểm: một quan điểm cho rằng chống tham nhũng có nhiều chuyển biển tích cực; quan điểm khác lại lo lắng vì diễn biễn và mức độ nguy hiểm của hành vi tham nhũng. Quan điểm cá nhân ông thế nào?

Xét về công tác phòng chống tham nhũng nói chung, việc thi hành Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 nói riêng, có thể nói, trong năm 2015, chúng ta cũng đạt được những kết quả nhất định. Thế nhưng, nếu vì thế mà nói rằng công tác này đang được thực hiện hiệu quả thì cá nhân tôi thấy không đúng.

Là Đại biểu Quốc hội, qua những đợt tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy 2/3 câu hỏi chất vấn của cử tri là chất vấn về vấn đề tham nhũng. Qua những thông tin mà cử tri cung cấp và kinh nghiệm công tác của bản thân, tôi đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta nói chung vẫn kém hiệu quả.

Thực tế đó dường như mâu thuẫn với những báo cáo của các ban ngành, các địa phương về tình hình tham nhũng trong nội bộ các ban ngành, địa phương đó, thưa ông?

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng được biết về thực trạng này. Rõ ràng các báo cáo này mâu thuẫn với những gì chúng tôi ghi nhận được qua các đợt tiếp xúc cử tri. Các báo cáo này cũng đã nói lên những hạn chế trong công tác phê bình, tự kiểm điểm trong nội bộ các cơ quan, ban ngành. Rõ ràng, để các ban ngành, các địa phương tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng là một điều vô cùng khó khăn và thiếu thực tế.

Kỳ vọng việc sửa đổi 2 Bộ luật hình sự và tố tụng hình sự, nhưng...

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng mới đây, BLHS sửa đổi đã được Quốc hội bấm nút thông qua. Theo đó, các quan tham bị kết án tử hình khi nộp lại phần lớn tài sản tham nhũng thì sẽ có cơ hội thoát được án tử. Là người đồng tình với sửa đổi nói trên của BLHS, theo ông, những sửa đổi này của BLHS sẽ tác động như thế nào đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian tới ?

Trước khi BLHS được sửa đổi, hình phạt nghiêm khắc nhất đối với đối với các quan tham là tử hình. Mặc dù BLHS cũng quy định bên cạnh hình phạt chính nói trên, người phạm tội phải nộp lại cho Nhà nước số tiền do phạm tội mà có. Luật cũng quy định tự động giao nộp lại tài sản, khắc phục hậu quả sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi đã bị kết án tử hình, người phạm tội sẽ có tâm lý phó mặc - dù gì cũng sẽ phải thi hành án, số tiền có được từ hành vi phạm tội vì thế sẽ khó mà được trả về cho Nhà nước.

Thu hồi tài sản tham nhũng vốn là một vấn đề rất nhức nhối và khó tháo gỡ trong công tác phòng và chống tham nhũng. Nội dung sửa đổi trên đây của BLHS sẽ khắc phục được thực trạng nói trên, từ đó sẽ kỳ vọng nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Tại nhiều Hội thảo về phòng chống tham nhũng, ông cũng bày tỏ những lo ngại về cơ chế kiểm soát thu nhập của cán bộ hiện nay. Trong khi cơ chế kiểm soát thu nhập của chúng ta còn yếu kém như vậy, những sửa đổi của BLHS (nêu ở trên) liệu rằng có thu được hiệu quả như mong muốn không, thưa ông? Theo ông, làm thế nào để đánh tận gốc, thu hồi 100% tài sản tham nhũng chứ không phải chỉ thu hồi được “phần nổi của tảng băng chìm”?

Kiểm soát thu nhập là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. Bởi vì chúng ta kiểm soát không tốt nên nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng cơ quan điều tra chỉ chứng minh được một ít. Nội dung sửa đổi nói trên của BLHS chỉ điều chỉnh vấn đề hậu bản án. Có nghĩa là Tòa tuyên anh tham nhũng bao nhiều thì số tiền tham nhũng đó sẽ là căn cứ để tính số tiền mà anh phải nộp lại cho Nhà nước nếu muốn thoát án tử. Theo tôi, tới đây, yếu kém này cần phải được khắc phục bằng cơ chế pháp luật cụ thể mà không phục thuộc vào việc BLHS có sửa đổi hay không.

Phải thay đổi tư duy sửa đổi những quy định pháp luật lỗi thời để đánh án tham nhũng hiệu quả hơn.

Sau khi sửa đổi BLHS, chắc chắn nhiều văn bản khác liên quan đến phòng chống tham nhũng sẽ được rà soát, sửa đổi. Mong ông chia sẻ với bạn đọc những quy định của pháp luật đang khiến ông trăn trở và hướng sửa đổi những quy định này?

Trong hệ thống pháp luật, điều chỉnh vấn đề phòng, chống tham nhũng, chúng ta có Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Mặc dù tên của Luật là Luật “Phòng, chống tham nhũng” nhưng nếu nghiên cứu, sẽ thấy rằng, các điều luật chủ yếu hướng đến việc chống tham nhũng hơn là phòng tham nhũng. Ngay Điều 4 Luật này quy định “nguyên tắc xử lý tham nhũng” chứ không phải “nguyên tắc phòng tham nhũng” hay “nguyên tắc phòng và xử lý tham nhũng”. Bởi thế cho nên, công tác đấu tranh với quan tham của chúng ta những năm qua vẫn rất bị động. Chúng ta xử lý quan tham nhưng quan tham này bị xử lý thì lại “mọc” quan tham khác. Do đó, khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, tôi cho rằng, một trong những vấn đề đầu tiên phải thay đổi đó là tư duy làm luật - cần chú ý phòng tham nhũng hơn là chống tham nhũng!

Nội dung thứ hai cần chú ý, đó là cách chúng ta định nghĩa về hành vi tham nhũng. Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng định nghĩa “ Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Định như vậy hẹp quá! Vì định nghĩa như vậy nên chúng ta không xử lý được tham nhũng tập thể hay tham nhũng chính sách. Chẳng hạn, ông bố có chức quyền, ban hành chính sách có lợi cho ngành, cho lĩnh vực mà con đang công tác. Hành vi như vậy cũng cần được coi là tham nhũng và phải bị xử lý. Do đó, thời gian tới, để không bỏ lọt tội phạm, để có thể xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, Luật Phòng, chống nhũng cần sửa đổi cách định nghĩa về hành vi tham nhũng.

Vấn đề thứ ba cần được quan tâm. Đó là, trong BLHS sửa đổi đã không còn tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tội danh này trong BLHS đã được thay thế bằng những tội danh cụ thể trong lĩnh vực kinh tế. Do đó, khi sửa đổi các văn bản luật về phòng chống tham nhũng, cần chú ý xây dựng các quy phạm để làm sao hạn chế tối đa những kẻ hở của luật, tiến tới ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Vấn đề thứ tư là, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 quy định “Công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Người tố cáo phải tố cáo trung thực, nêu rõ họ, tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu mà mình có và hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo”. Quy định yêu cầu người tố cáo phải  nêu rõ họ tên, địa chỉ là một quy định cản trở công tác phòng chống tham nhũng. Vì quy định này nên rất nhiều đơn thư tố cáo mặc dù chưa được xác minh, làm rõ đã được đưa vào lưu trữ; nhiều hành vi phạm tội vì thế mà được thoát. Do đó, khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, đây là nội dung cần phải được rà soát, sửa đổi!

Cần thiết lập một cơ quan độc lập chống tham nhũng

Với quyết tâm cao trong phòng, chống tham nhũng, rất có thể, thời gian tới chúng ta sẽ có Luật về kê khai tài sản. Mong ông chia sẻ một số ý kiến của ông về vấn đề này. 

Việc ban hành Luật về kê khai tài sản là điều cần thiết. Tại nhiều hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta phải xây dựng cơ chế để các cá nhân trong xã hội phải kê khai tài sản một cách cụ thể, làm sao để mọi cá nhân, tổ chức đều có thể kiểm soát thu nhập của cá nhân khác. Cá nhân tôi phản đối đề xuất nói trên. Bởi quy định như vậy là vi phạm quyền con người và rất thiếu tính khả thi. Thiếu tính khả thi vì sẽ chẳng người dân nào có khả năng kiểm soát tài sản của người khác cả. Thay vì quy định như vậy, chúng ta nên xây dựng cơ chế để một cơ quan Nhà nước nào đó, có thẩm quyển kiểm soát tài sản của các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Khi cần, cơ quan này có quyền và có khả năng kiểm soát thu nhập, tài sản các cá nhân trong đó có các cán bộ, công chức.

Ngoài những biện pháp nói trên, theo ông, trong thời gian tới, để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, chúng ta cần chú ý những gì?

Trước những diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi của tội phạm tham nhũng, theo tôi, chúng ta cần thành lập một cơ quan độc lập để chống tham nhũng. Rất nhiều nước đã thành lập cơ quan này. Chẳng hạn, ở Trung Quốc có Ủy ban kiểm tra kỳ luật Trung ương. Cơ quan này làm việc rất hiệu quả, đóng góp tích cực cho chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mà nước này đã và đang thực hiện. Chúng ta rất cần một cơ quan như thế. Cơ quan này sẽ không chỉ làm nhiệm vụ thanh tra hay chỉ đạo như một số cơ quan đang làm hiện nay mà sẽ có toàn quyền trong điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng.

Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Bùi Huyền (thực hiện)

 

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/trung-tuong-tran-van-do-toi-pham-kinh-te-dang-rat-long-hanh-can-thay-doi-tu-duy-danh-an-tham-nhung-a134160.html