(Pháp lý) - Quốc hội khóa XIII (2010 – 2015) đã khép lại với một nhiệm kỳ có số lượng lớn dự án luật được thông qua và quyết định nhiều vấn đề trọng đại của đất nước. Cùng với đó là dấu ấn về những đại biểu Quốc hội, những “tư lệnh” ngành gây “sốt” nghị trường bằng những hành động “khi dân cần là có” và những phát ngôn có chiều sâu, thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và trăn trở vì vận mệnh của đất nước…
Pháp lý xin giới thiệu về 2 trong số những chính khách được báo chí và người dân đặc biệt quan tâm, “săn đón”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư: “Đất nước này cần sự minh bạch”
Tháng 3/2010, đang là Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, ông Bùi Quang Vinh trở thành Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quyết định điều động của Thủ tướng. Trước đó, dư luận đã từng biết đến Lào Cai, từ một tỉnh nghèo miền núi, bỗng “vươn mình” tô đậm hình ảnh trên bản đồ phát triển kinh tế của cả nước bằng việc liên tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng ở nhóm tốt và rất tốt trong trong bảng xếp hạng, riêng năm 2011 đứng đầu cả nước.
Ông Vinh nhận nhiệm vụ Thứ trưởng vào thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đồng thời hai vị ủy viên Trung ương Đảng, ngoài ông còn có nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đang trên đường hoàn thành nhiệm kỳ hai. Sự có mặt của một ủy viên Trung ương khác trẻ hơn 8 tuổi là một chỉ dấu về sự thay thế.
[caption id="attachment_134109" align="aligncenter" width="410"]
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh[/caption]
Không chỉ có tiềm năng (cửa khẩu quốc tế, nguồn khoáng sản phong phú và một thị trấn du lịch Sapa nổi tiếng), Lào Cai - nơi ông Vinh làm Chủ tịch từ 2001 và làm Bí thư từ 2005, trong cảm nhận của nhiều người từng đến, đó là nét khác biệt về sự năng động của giới chức chính quyền. Chính sự trải nghiệm đa dạng và trong thời gian dài ở cương vị lãnh đạo cao nhất tại một địa phương làm nên “kỳ tích” như vậy đã giúp ông Vinh có nhiều lợi thế và lọt vào “mắt xanh” của người đứng đầu Chính phủ.
Nhưng, chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà ông tiếp nhận vào tháng 8/2011 là một câu chuyện khác. Đó là một “siêu bộ” phải gánh cả phần “đầu tư” và “kế hoạch”, lại thêm mảng thống kê và một số nhiệm vụ khác, chưa kể các mảng liên ngành… Vào thời điểm đó nền kinh tế đất nước đã đi một chặng dài trên hành trình “kinh tế thị trường”, khiến cho tính “kế hoạch” trong xây dựng và thực thi nhiệm vụ của ngành Kế hoạch và Đầu tư phải mang một sắc thái khác. Làm sao vượt qua cái “bóng” của hai người tiền nhiệm Trần Xuân Giá và Võ Hồng Phúc khi mà ít nhiều họ đã chứng minh được vị thế và có tiếng nói uy tín trên chính trường.
Đầu tư công dàn trải, lãng phí và nợ đọng trong xây dựng cơ bản không chỉ làm “nóng” nghị trường. Và đó cũng chính là thử thách lớn nhất mà ông Vinh phải đối mặt ngay sau khi tiếp nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Nếu cứ để tình trạng này tiếp tục tái diễn, thì đất nước sẽ vỡ nợ. Ông Vinh trăn trở và chỉ 3 ngày sau ngồi vào “ghế nóng”, ông triệu tập ngay cuộc họp để bàn giải pháp hiến kế Chính phủ gỡ khó.
Kết quả, một tháng sau đó (10/2011), Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ đã được Thủ tướng ban hành, góp phần ngăn chặn có hiệu quả các nguồn đầu tư dàn trải và đã giúp cho Chính phủ kiểm soát được tình hình nợ công trong xây dựng cơ bản… Kể từ thời điểm đó, các bộ trưởng và chủ tịch các tỉnh khi ký phê duyệt một công trình phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải biết trong “hầu bao” địa phương và của ngành mình quản lý có bao nhiêu tiền và phải biết nguồn tiền được lấy từ đâu ra, nếu để xảy ra sai sót thì phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự ?
Tuy nhiên theo ông Vinh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư công tràn lan, dàn trải, kém hiệu quả là do pháp luật thiếu quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định đầu tư và đặc biệt là chưa có quy định xử lý trách nhiệm người quyết định đầu tư sai, quyết định đầu tư kém hiệu quả. Khi Luật Đầu tư công được ban hành, muốn đầu tư công phải qua thẩm định về hiệu quả, thẩm định vốn, quan trọng hơn có tiền mới được làm.
Để ban hành Luật Đầu tư công vào thời điểm mà theo như ông Vinh “trần tình” trước Quốc hội, quan điểm các bộ rất khác nhau, bộ nào cũng sợ Luật đầu tư công ra đời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của bộ mình, không phải là chuyện dễ... Ngay cả trong Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ông Vinh cho biết có cả đồng chí vụ trưởng lâu năm nói với ông rằng: “Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai phải đến Bộ Kế hoạch & Đầu tư nữa?”.
Nhưng không phải vì thế mà làm ông chùn bước. Là “tư lệnh” ngành, ông Vinh hiểu rằng, đất nước muốn thay đổi trước hết cần phải thay đổi tư duy, nhận thức và hành động, cần phải có cái nhìn dài hạn và cách làm minh bạch và không được có tham nhũng, bởi vì đó là những thứ làm cho đất nước này “chết” nhanh chóng nhất. Muốn minh bạch trước hết phải kiểm soát đầu tư công. Chủ trương đầu tư mà được kiểm soát thì sẽ tạo ra hiệu quả vô cùng lớn cho đất nước.
Với quyết tâm chính trị và tầm nhìn “đất nước này cần sự minh bạch”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thực sự để lại một dấu ấn đáng kể trong hành trình phát triển dài hạn của đất nước. Với Luật Đầu tư công ra đời, ông đã cùng với tập thể “siêu bộ” giúp cho Quốc hội thoát được vòng lẩn quẩn năm nào cũng phải bàn chuyện bố trí vốn đầu tư, khắc phục được tình trạng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nắm toàn quyền mà không biết mình có bao nhiêu tiền cho đất nước.
Từ nay trở đi, sẽ không còn tái diễn cảnh vô lý, một ngày Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải tiếp bao nhiêu ông bí thư, chủ tịch, giám đốc sở lên xin dự án này, dự án kia. Vì nguồn vốn đầu tư công được bố trí theo kế hoạch trung hạn. “Thủ tướng Chính phủ ký cho cả 5 năm, chứ không phải xin gì như trước đây” – ông Vinh nói.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Văn Quý còn nhớ mãi thời khắc nhắc buổi chiều 26/11/2014, khi ông cùng với 422 trên tổng số 424 ĐBQH có mặt tại Hội trường (đạt 99,53%) nhấn nút thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), và 425 trên tổng số 428 đại biểu nhất trí thông qua (đạt 99,3%) Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo ông Quý, đây là 2 dự luật đạt số phiếu tán thành cao nhất trong số 18 dự án luật được Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII thông qua.
Ông Quý nhớ lại: “Không khí nghị trường rất sôi nổi khi bàn về những điểm đột phá của hai luật này. Tôi cảm nhận rõ niềm tin của đại biểu đối với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và sự quyết đoán của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh”.
Là một doanh nhân, từng là ông chủ một ngân hàng, nay đang đầu tư mạnh cho lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, ông Quý thấm thía tác động của từng câu, từng từ trong những văn bản luật đối với doanh nghiệp. Chính vì thế, ông Quý ấn tượng với cách tiếp cận hiện đại và rất thực tế trong Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Việc khoanh rõ “vùng cấm” đã được thiết kế thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
“Có thể nói, hai dự luật này đã thực hiện một cách quyết liệt tư tưởng đổi mới của Hiến pháp 2013, cũng như tinh thần của ba khâu đột phá chiến lược, thực sự là hiện thân, là hành động của cải cách thể chế kinh tế, mở ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo cú huých cho nền kinh tế trong thời gian tới”, Đại biểu Phan Văn Quý đánh giá.
Song, điều ĐBQH Phan Văn Quý ấn tượng hơn nữa là Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dường như lường được khó khăn khi đưa những cải cách đó vào cuộc sống. Ông đã sớm nói đến việc, vấn đề mấu chốt là con người thực thi. Trước đó, trả lời ĐBQH về vướng mắc trong Đề án tái cơ cấu kinh tế, phát biểu thẳng thắn của ông làm cả nghị trường chú ý, rằng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước “không ai tự chặt chân mình”. Đó chính là vấn đề con người, vấn đề đột phá về nhân lực.
Bộ trưởng Bộ GTVT: Tiến độ là cấp bách nhưng chất lượng phải là số 1
Hàng loạt vụ TNGT thảm khốc đã xảy ra trong năm 2014 hẳn dư luận không thể quên, đó là: Vụ sập cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu khiến hàng chục người thương vong (24/2); vụ tai nạn xe khách của hãng Sao Việt khiến gần 50 người thương vong ở Lào Cai (2/9), hay vụ tai nạn do thi công đường sắt trên cao ở Hà Nội (6/11) khiến 1 người tử vong và nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khác…
Ngay sau những vụ TNGT đó xảy ra, thân nhân và người bị nạn cảm thấy rất ấm lòng khi bên cạnh họ đã có Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, thăm hỏi bệnh tình, chỉ đạo thành lập ngay các tổ điều tra, xác định rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm… Cái đáng quý là Bộ trưởng Thăng đã coi đó chính là hành động thiết thực, là lời xin lỗi chân thành nhất đối với người dân không may gặp nạn. Khi biết tin cô giáo và học trò trường Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã phải vượt suối bằng túi ni lông để đến trường, ông chỉ đạo “nóng” các cơ quan có chức năng xây dựng ngay cây cầu cho cô giáo và học sinh đến trường.
Gần đây nhất, bức tâm thư của bệnh nhân Viện K gửi Bộ trưởng GTVT về tình cảnh nguy hiểm khi người nhà và bệnh nhân đang điều trị tại đây phải qua đường giữa dòng phương tiện đông đúc. Ông Thăng quyết định ngay phương án xây cầu vượt trong thời gian ngắn nhất. Còn nhiều hành động nghĩa cử khác Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm được trong suốt nhiệm kỳ…
[caption id="attachment_134110" align="aligncenter" width="410"] Bộ trưởng Đinh La Thăng[/caption]
“Sáng ăn phở Hà Nội, tối cà phê Sài Gòn” sẽ không có gì đáng nói, nếu di chuyển bằng máy bay và câu chuyện một doanh nhân cũng sẽ chỉ dừng lại ở đó. Song lời quả quyết ấy được thốt từ Bộ trưởng Đinh La Thăng tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII bằng phương tiện đường sắt, khiến nhiều ĐBQH tham dự kỳ họp tâm đắc. Bởi ngành Đường sắt vốn được biết đến với hình ảnh của một “thành trì” bảo thủ, trì trệ, giữ vững “nền nếp” bao cấp bậc nhất ngành giao thông, suốt bao nhiêu năm qua mãi ì ạch chạy với tốc độ trung bình chỉ 50-60 km/h, trong khi trên thế giới, tàu hỏa đã đạt mức trung bình 120-140 km/h.
Trước bức xúc của ĐBQH, người đứng đầu ngành GTVT cho hay, Bộ đã có kế hoạch hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam với phương án nâng tốc độ khai thác lên 80-90 km/h. Đồng thời với việc khai thác tuyến đường sắt hiện có, ngành sẽ xây dựng tuyến đường sắt khổ đôi ở những đoạn cần thiết với tốc độ nâng lên từ 160 tới dưới 200 km/h. Việc đầu tư sẽ được phân kỳ theo hướng làm trước đoạn Hà Nội - Vinh. “Đến khi đó, một người đi tàu hỏa có thể sáng ăn phở ở Hà Nội, tối uống cà phê ở TP.HCM, không còn là chuyện lạ” – Bộ trưởng Thăng nói.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2011 - 2015 ngành cần 480.000 tỷ đồng, trong khi giai đoạn 2016 - 2020 cần tới 730.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn ngân sách dành cho ngành năm 2011 - 2013 lại chỉ đạt 20% so với nhu cầu vốn cho giai đoạn 2011 - 2015. Có thể nói ngành Giao thông trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Đinh La Thăng chịu nhiều sức ép trong việc huy động các nguồn vốn để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, để đưa đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Không chỉ vậy, Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, một văn bản với tinh thần “siết” đầu tư công, đã làm cho thử thách của ngành giao thông càng lớn hơn. Ấy vậy mà báo cáo trước kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm nức lòng cử tri khi cho biết cắt giảm được khoảng 20.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư, sau khi thực hiện tổng rà soát, điều chỉnh quy mô và phân kỳ đầu tư các công trình giao thông vận tải cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Ngoài công trường dẫu còn dị nghị, song câu chuyện về thưởng tiến độ mà ngành Giao thông áp dụng với các nhà thầu trong thời gian qua thực sự cũng là một dấu ấn. Một ấn tượng khác là nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ đã giảm được tình trạng vay nợ lớn, bước đầu lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, số nợ phải trả trên vốn điều lệ đã giảm bình quân 50% so với cuối năm 2011, thời điểm mà ông Thăng bắt đầu tiếp nhận “ghế nóng”.
Điều đáng nói là, tại bất cứ công trình dự án nào có vướng mắc, chậm trễ đều có sự có mặt chỉ đạo và giải quyết triệt để của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Chỉ đạo của ông đối với các nhà thầu luôn theo phương châm: Tiến độ thi công là cấp bách nhưng chất lượng công trình phải là số 1.
Cắt nghĩa cho những việc làm táo bạo, năng động của Bộ trưởng Đinh La Thăng được bắt đầu từ công tác cán bộ. Ngay từ khi mới nhận chức, ông nhận ra rằng “một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, quan liêu, tư lợi, làm việc cầm chừng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, từ đó dẫn đến tình trạng xây dựng và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành còn chậm, tính khả thi chưa cao”.
Sau những động thái quyết liệt lúc mới nhậm chức, điển hình là câu chuyện “trảm tướng” tại sân bay Đà Nẵng. Năm 2014, ông Thăng cũng nhiều lần “trảm tướng”, kỷ luật những lãnh đạo, cán bộ dự án để xảy ra sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công việc tại nhiều dự án giao thông trên cả nước. Cũng trong năm 2014, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Đề án thí điểm thi tuyển chức danh cấp trưởng đối với một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng đã triển khai thành công. Đây là bước đột phá lớn nhất của Bộ GTVT trong công tác tuyển dụng nhân sự cấp cao trong các cơ quan nhà nước.
Với cách điều hành và thực thi công việc sát sao, trong năm qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhận được nhiều sự đồng tình, khen ngợi. Theo như nhận xét của một người dân: “Một bộ trưởng phải kiến tạo được những chính sách lớn, có giá trị cải cách mạnh mẽ và lâu dài. Nhưng phải ra hiện trường để có những thay đổi thiết thực, cụ thể. Đất nước này không thể phát triển bằng những lý thuyết cao siêu trên trời, mà bằng những hành động ngay tại mặt đất”.
Tại kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, theo công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng là người có nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất trong số các Bộ trưởng với 362 phiếu tín nhiệm cao, đạt 72,84%; 91 phiếu tín nhiệm và 28 phiếu tín nhiệm thấp.
Và trên hết, những việc đã làm được trong năm qua đã chứng minh bản tính quyết liệt, tinh thần trách nhiệm, dám làm, dám chịu của vị tổng tư lệnh ngành GTVT. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn chỉ khiêm tốn khi cho rằng, kết quả những gì ông cùng Bộ GTVT đã và đang làm hãy cứ để dư luận đánh giá, tất cả vẫn đang dang dở, chưa thể và chưa nên có bất cứ sự tự đánh giá nào. Khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Thăng vẫn giữ mái tóc “nửa cua” đầy cá tính đã theo ông từ ngày còn làm sếp ở Tổng Công ty Sông Đà. Thời gian gần đây, mái tóc ấy đã được rẽ ngôi “ba - bảy”, có vẻ thích hợp hơn nhiều với hình ảnh một chính khách. Hy vọng, cho dù với mái tóc nào đi nữa, hình ảnh một bộ trưởng “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” mà ông tạo ra trong nhiệm kỳ qua, vẫn tiếp tục sẽ được “giữ lửa” trong nhiệm kỳ tới nếu ông còn tiếp tục tái cử.
Vĩ thanh
“Chính khách không phải chức danh cụ thể dành cho một ai đó, mà là những đóng góp của người làm chính trị được cộng đồng thừa nhận. Nhân dân không chấp nhận một chính khách tuy có cương vị công tác cao nhưng lại thiếu những yếu tố về tư duy và tấm lòng” - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Vũ Mão nói.
Không thể phủ nhận chính khách không nhất thiết phải hiện diện thường xuyên, trên tất cả các mặt trận (thực chất là không thể) nhưng họ phải xuất hiện đúng lúc mà người dân cảm thấy cần nhất.
Suy cho cùng, chính khách ngồi “ghế nóng” hay “ghế nguội”, không phải vì ghế mà bởi tại chính khách đó ngồi.
Như vậy muốn là chính khách trong lòng dân, mỗi ĐBQH, mỗi “tư lệnh ngành” cần rèn luyện không ngừng cả về tư duy và tâm đức. Nói như ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm VP Quốc hội phải bỏ hết tham sân si, đạt tới tịnh độ; là công bộc của dân cần có được thánh tâm; khiêm tốn học hỏi, học thầy, học bạn, học trong đường đời và trên hết một trong những căn bệnh cần khắc phục đó là “kiêu ngạo cộng sản”./.
VŨ LÊ MINH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chinh-khach-va-dau-an-nhiem-ky-a134108.html