Ngày 14/1, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết năm 2015 liên quan đến hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Theo ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Tư pháp, trong năm 2015, toàn ngành đã xem xét 76.453 văn bản. Trong đó, đã xử lý 12.453 văn bản với các lỗi như hết hiệu lực, trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
[caption id="attachment_133952" align="aligncenter" width="410"]
Ảnh minh họa[/caption]
Theo Bộ trưởng Tư pháp, song song với hoạt động này, cơ quan chức năng đã công bố danh mục văn bản quy pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần, qua đó giúp cho hệ thống pháp luật được minh bạch, dễ tiếp cận, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi, áp dụng chính sách. Các cơ quan có thẩm quyền trên toàn quốc cũng đã thẩm định 9.529 văn bản. Hoạt động thẩm định được tập trung tới tính dự báo của các chính sách, đảm bảo tính khả thi trong việc ban hành văn bản để các quy định của pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
Ở hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận, kiểm tra theo thẩm quyền hơn 42.000 văn bản, phát hiện hơn 1.000 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền. Đặc biệt, theo ghi nhận của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra), qua công tác kiểm tra theo chuyên đề (trọng tâm là các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng), đã phát hiện nhiều văn bản trái pháp luật, hoặc tự ý mở rộng thẩm quyền.
Đơn cử như Thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Cục Kiểm tra khẳng định, văn bản này đã tự ý mở rộng thẩm quyền xử phạt so với nghị định, gây nhầm lẫn giữa các hành vi “vi phạm hành chính nhiều lần” với “tái phạm”, từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tính chuyên nghiệp chưa cao
Lý giải về thực trạng ban hành văn bản còn nhiều “sạn”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, đây là lỗi hỗn hợp, với nhiều yếu tố chủ quan, khách quan. Trước hết, ở cấp lãnh đạo, Bộ Tư pháp nhận định, vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản chưa thực sự chặt chẽ, kịp thời.
Về lực lượng trực tiếp soạn thảo, Cục Kiểm tra nhận định, đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản vẫn còn ít, tính chuyên nghiệp chưa cao. Hơn nữa, việc thành lập, củng cố và kiện toàn các tổ chức pháp chế ở một số bộ, cơ quan nhất là tại các địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cũng theo ghi nhận của Bộ Tư pháp, trong nhiệm kỳ 2011-2015, nhất là từ khi triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, số lượng các luật, pháp lệnh do các bộ, cơ quan phải chủ trì xây dựng là rất lớn, đồng thời, số lượng văn bản quy định chi tiết phải xây dựng, ban hành nhiều. Chẳng hạn, riêng năm 2015, cần ban hành tới 230 văn bản (tăng 24 văn bản so với năm 2014). Nội dung của nhiều dự án, dự thảo văn bản quy định những vấn đề mới, phức tạp, trong khi đó thời gian để xây dựng, ban hành văn bản là tương đối ngắn và việc tuân thủ quy trình xây dựng, thẩm định văn bản còn chưa nghiêm, nhất là ở các địa phương.
Trước đó, trong lần báo cáo Thủ tướng về công tác xây dựng, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, lãnh đạo Bộ Tư pháp thẳng thắn cho rằng, trong kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật, còn tình trạng nể nang, dè dặt, né tránh, ngại va chạm, dĩ hoà vi quý, từ đó dẫn đến tình trạng xử lý không nghiêm, gây bức xúc trong xã hội.
Nợ đọng văn bản còn phổ biến
Ghi nhận của Bộ Tư pháp cho hay, tình trạng xin lùi, xin rút các dự án luật khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội chưa được khắc phục triệt để. Theo đó, hiện tượng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn phổ biến. Đến cuối năm 2015, các cơ quan có thẩm quyền còn nợ 33 văn bản (tăng 15 văn bản so với năm 2014). Ngoài ra, số lượng văn bản bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh rất ít, gây ảnh hưởng không tốt đến công tác tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh, đến quyền, lợi ích của các cơ quan, tổ chức cá nhân. Chất lượng thẩm định văn bản tuy đã được cải thiện một bước, nhưng vẫn còn để lọt nội dung thiếu tính khả thi, chưa hợp lý. Việc kiểm tra văn bản ở một số Bộ, cơ quan, địa phương vẫn còn chậm và chưa thường xuyên, nhiều văn bản đã ban hành nhưng chưa được kiểm tra, phát hiện kịp thời sai sót.
Theo ANTT
Theo Tiền phong
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hon-12-000-van-ban-co-van-de-a133951.html