Tiếp tục cho rằng tham nhũng có "lỗi từ hệ thống", TS Lê Hồng Sơn nói rằng nó khiến nhiều người thấy "chống tham nhũng như đánh trận giả".
TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB QPPL (Bộ Tư pháp) tiếp tục làm rõ hơn vấn đề này.
[caption id="attachment_133802" align="aligncenter" width="410"]
Minh họa[/caption]
Theo tôi, lại phải sử dụng cụm từ “lỗi hệ thống” chủ trương nói nhiều nhưng giải pháp thì còn hết sức hạn chế từ thể chế cho tới tổ chức thi hành, các thể chế phòng chống tham nhũng. Nghiên cứu hệ thống thể chế cũng như quá trình thực thi thể chế, rất nhiều người cảm thấy hình như chống tham nhũng nửa vời, không tới nơi tới chốn.
Trước hết nói về người nắm chức vụ quyền hạn dễ tham nhũng thì cơ chế quản lý tài sản, tiền nong cũng như nắm từng hành vi khi thừa hành công vụ rất lỏng lẻo, kê khai cũng để làm vì, thiếu kiểm tra, kiểm soát và đặc biệt là hiện tượng kê khai không hết, không đủ mà người đó có được trong thời kỳ đương chức là phổ biến.
Ở đây vừa có lỗi của thể chế thiếu cụ thể, vừa có lỗi trong thực thi thiếu nghiêm túc, thiếu quyết liệt về quản lý sự phát sinh, sự đội lên bất thường của tiền nong, tài sản của quan chức có dấu hiệu tham nhũng.
Những chốt chặn quan trọng như tài sản có được trước khi có chức vụ với khối tài sản người đó có được sau khi không còn đảm nhiệm chức vụ ta cũng làm chưa tốt.
Một biểu hiện tương đối rõ mà nhiều người đã biết, đã quan tâm đó là tài sản của bố mẹ, anh em liên quan tới người có chức vụ, quyền hạn cao dễ xảy ra tham nhũng, như tôi đã nói, chúng ta cũng đang bỏ lửng. Đã có trường hợp đương sự tham nhũng khối tài sản lớn và chuyển cho người thân, bố mẹ, con cái nhưng việc xử lý cũng còn lừng khừng không tới nơi, tới chốn.
Cũng giống như hiện tượng ra cơ quan điều tra hoặc ra tòa án người đưa tham nhũng thì chứng minh mình có đưa, nhưng người nhận thì lúc nhận, lúc chối. Vậy mà người điều tra và thẩm phán lại xoay vặn trở lại người chứng minh có đưa tham nhũng rằng: “anh đưa tiền, đưa tài sản như vậy “có giấy biên nhận không?” “Có ai làm chứng không?”. Trời ạ!, làm sao có chuyện đưa tiền đút lót mà lại đòi có biên nhận, làm sao đút lót lại yêu cầu có người làm chứng. Rõ ràng pháp luật ở đây cũng như việc hiểu và thực thi nó trong hệ thống các cơ quan chức năng phòng chống, tham nhũng chưa phản ánh đúng thực chất vấn đề, chưa đi vào cuộc sống.
Đối với tài sản của những người thân thích của quan chức có chức, có quyền cũng đang là một vấn đề lớn. Theo tôi, ở đây có một quan điểm sai lầm là: lẫn lộn giữa quyền của một người công dân bình thường – nhà nước không buộc họ phải chứng minh tính minh bạch, tính hợp pháp của tài sản mà họ có được – với những người thân thích của các quan chức có chức, có quyền.
Khi một người đã dấn thân vào chốn quan trường, đã đảm nhận một chức danh, một vị trí có chức quyền, nhà nước cũng phải buộc người đó cũng như những người thân thích của những người đó phải chịu sự quản lý đặc biệt. Mà trước hết, là chịu sự quản lý về nguồn gốc tài sản, tiền nong của những người thân thích có sự phát sinh đột biến trong quá trình quan chức đó đảm nhận chức vụ, quyền hạn. Ở đây không thể nhầm lẫn giữa quyền của một công dân bình thường với trách nhiệm của những người thân thích của quan chức có chức, có quyền.
Một số người, khi nói đến chứng minh nguồn gốc tài sản của những người thân thích này thì lại nêu vấn đề quyền công dân, vấn đề trách nhiệm của nhà nước phải chứng minh tài sản của một cá nhân là “minh hay không minh” là do vi phạm pháp luật mà có. Người ta vô tình hay cố ý quên đi một thực tế đó là đây là những người thân thích của quan chức , nắm chức quyền, dễ tham nhũng.
Con tham nhũng rồi chuyển tài sản cho bố đứng tên, mà ai cũng biết ông bố đó không chức, không quyền lại tự nhiên phát sinh một khối tài sản khổng lồ? Chồng tham nhũng rồi chuyển tài sản cho vợ đứng tên, tại sao không hỏi người vợ không làm ăn, buôn bán lớn nhưng trong vài năm cũng tự nhiên có khối tài sản khổng lồ?
Bố giữ một chức vụ quan trọng dễ tham nhũng rồi chuyển tài sản cho con đứng tên trong khi người con đó ai cũng biết chỉ là một công dân bình thường nhưng trong vài năm đã có được một khối tài sản khổng lồ?
Theo tôi, cần đặt vấn đề rằng, khi một người giữ chức vụ quyền hạn dễ phát sinh tham nhũng, dễ có điều kiện tham nhũng thì những người thân thích gần gũi cần phải chịu một sự quản lý, ràng buộc chặt chẽ của nhà nước, của xã hội về khối tài sản của chính những người thân thích đó?
Vấn đề quản lý tài chính, ngân sách, tiền nong thì ai cũng thấy cơ chế chi tiêu tiền mặt của Việt Nam là môi trường quá thuận lợi và dễ dàng cho tham nhũng. Muốn chống tham nhũng tốt không nên quên điều này để làm sao tiền nong, tài sản của một cán bộ, công chức phải được công khai minh bạch. Phải chịu cơ chế giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Vấn đề đấu thầu, đấu giá các công trình, dự án cũng cần phải có cơ chế chặt chẽ, cụ thể để chống hiện tượng ăn chia, phết phẩy. Cơ chế này, rất nhiều người nói rằng vẫn còn một khoảng trống mênh mông cho việc lách luật, vô hiệu hóa cơ chế quản lý. Dân biết, tại sao cơ quan có thẩm quyền lại không biết?
Ở đây có vấn đề về nhận thức, quan điểm, thể chế cũng như việc thực thi thể chế trong phòng chống tham nhũng, phải nói thẳng mặc dù đã cố gắng nhiều nhưng vẫn xộc xệch lắm, dễ luồn lách, dễ vô hiệu hóa lắm. Tôi nói một hiện tượng rất đơn giản nhưng khá phổ biến đó là vấn đề làm chứng từ khống, xin chữ ký khống, làm hóa đơn khống... hiện nay khá phổ biến trong nhiều cơ quan, tổ chức. Người biết thì bức xúc, buồn bã, lắc đầu.
Ở đây, theo tôi hết sức đáng tiếc và nguy hại đó là, phần lớn lực lượng công chức cán bộ trẻ mới vào nghề lại là lực lượng được giao làm các thủ tục, chứng từ khống đó. Rất nhiều bạn trẻ, trai thanh, gái lịch đáng tiếc, lại coi việc làm hóa đơn, chứng từ khống, nói dối làm dối như một việc bình thường.
Tha hóa, xuống cấp về đạo đức chính là xuất phát từ đây chứ ở đâu xa? Từ tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt khi còn là công chức thừa hành, đến khi có điều kiện, có chức, có quyền thì tiếp tục thực hiện hành vi tham nhũng chỉ là một bước chuyển tự nhiên thôi.
Tôi nhiều lần tự hỏi, tại sao đoàn thanh niên không đặt ra vấn đề chống tham nhũng vặt, tham nhũng nhỏ, chống những hành vi làm khống, làm giả chứng từ hồ sơ để lấy tiền chia nhau ở trong công chức, viên chức trẻ? Nhìn các cháu mới vào còn trẻ măng, phơi phới nhưng rất thản nhiên lập chứng từ, hóa đơn, hồ sơ, xin chữ ký khống theo chỉ đạo của cấp trên, của người lớn tuổi để lấy tiền chia nhau mà thấy xót xa và xấu hổ thay. Đoàn thanh niên làm được việc này thì khá thiết thực và rất tốt cho việc xây dựng nhân cách thế hệ công chức, viên chức trẻ...
Về quà biếu và tài sản tham nhũng. Tôi cho rằng quà biếu là một biểu hiện tự nhiên, bình thường trong xã hội mà bất kỳ xã hội nào cũng có. Nó là biểu hiện của các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Quà biếu có màu hồng, nhà nước không nên và cũng không thể can thiệp, không thể cấm. Ngược lại của hối lộ lại là màu đen. Nó là biểu hiện của hành vi vi phạm pháp luật, cả nhà nước và xã hội đều muốn chống chuyện đưa và nhận hối lộ.
Vấn đề ở đây là phân biệt cho được quà biếu và của hối lộ. Nhiều nước đã đặt ra ngưỡng để phân biệt mà cách phân biệt dễ nhất và đơn giản nhất là giá trị của tài sản. Ở Việt Nam cũng đã thực hiện, tuy nhiên vấn đề ở chỗ khi đưa hối lộ người ta rất tính vi, kín đáo thậm chí những vật bên ngoài là quà biếu rất bình thường nhưng bên trong là tài sản khổng lồ để hối lộ.
Việc này xã hội đã biết nhiều, nói nhiều. Vấn đề là chúng ta tạo lập ra được cơ chế làm sao phân biệt được một cách rạch ròi giữa quà biếu và của hối lộ để khi đương sự đưa và nhận hối lộ bằng hình thức quà biếu thì cơ quan có thẩm quyền và xã hội phân biệt cho được và có biện pháp xử lý thích đáng nếu đó là của hối lộ.
Có thể nói, xin nhắc lại rằng cuộc chiến này là hết sức gian nan phức tạp tuy nhiên chúng ta phải thấy rằng hiện nay từ nhận thức của xã hội, của các cơ quan có thẩm quyền lần những người có trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng cho đến hệ thống thể chế cũng như việc thực thi các quy định của pháp luật phòng và chống tham nhũng còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều điều phải bàn để hoàn thiện, lấp chỗ trống những bất cập hiện nay.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/qua-bieu-mau-hong-hoi-lo-mau-den-trach-nhiem-con-quan-a133801.html