Hà Nội những năm 1930 trong tác phẩm Nguyễn Đình Lạp

Dù thuộc thể loại phóng sự hay tiểu thuyết, những câu chuyện trong "Nguyễn Đình Lạp tuyển tập" đều phản ánh bức tranh Hà Nội đầu thế kỷ trước.

Nguyễn Đình Lạp là một nhà văn, nhà báo giai đoạn 1930-1945. Tác giả của nhiều bức tranh hiện thực về Hà Nội mất sớm (ông qua đời năm 1952, khi mới 39 tuổi), nhưng để lại những đóng góp cho văn học, báo chí nước nhà. Mới đây, gia đình nhà văn cùng giới nghiên cứu và nhà xuất bản Công an Nhân dân thực hiện cuốn Nguyễn Đình Lạp tuyển tập. Lễ ra mắt sách diễn ra ngày 7/1 tại Hà Nội.

[caption id="attachment_133588" align="aligncenter" width="348"] Sách "Nguyễn Đình Lạp tuyển tập".
Sách "Nguyễn Đình Lạp tuyển tập".[/caption]

Cuốn sách gần 700 trang gồm những tiểu thuyết, truyện ngắn như: Ngoại ô (tiểu thuyết), Ngõ hẻm (tiểu thuyết), Chiếc va ly (truyện vừa)... Các phóng sự tiêu biểu của ông cũng có mặt: Thanh niên trụy lạc, Từ ái tình đến hôn nhân, Hà Nội… giao thừa, Những nỗi băn khoăn của tư tưởng và nghệ thuật...

Phần nghiên cứu, phê bình về văn chương Nguyễn Đình Lạp tập hợp 14 bài viết của các tác giả như Giáo sư Phong Lê, Hoài Anh, Phong Lan, Phó Giáo sư Lê Thị Đức Hạnh... Cuốn sách cũng dành một dung lượng nhỏ đăng các hồi ức về Nguyễn Đình Lạp của bạn bè, người thân như hồi ký bà Bạch Liên - vợ nhà văn, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà phê bình Ngô Thảo.

Tại buổi ra mắt sách, Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái khẳng định: "Những phóng sự, tiểu thuyết, truyện vừa, bài giảng của ông tới nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Ngòi bút Nguyễn Đình Lạp hướng đến cuộc sống của những người có thân phận hèn mọn, địa vị thấp kém, cảnh đời lầm than, bế tắc...".

Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh - đại diện Viện Văn học - cho rằng những phóng sự của Nguyễn Đình Lạp có độ tin cậy, hấp dẫn, được ông thống kê nhiều số liệu, ví dụ Hà Nội thời đó có bao nhiêu nhà cô đầu... Ông cũng đưa ra những bình luận, thể hiện sự am hiểu, sắc sảo.

"Với tư cách một nhà tiểu thuyết, ông được xếp vào hàng ngũ nhà văn hiện thực với thành tựu lớn nhất là thể hiện đời sống người dân nghèo ngoại ô. Tác giả không chỉ phản ánh hiện thực mà còn nghiền ngẫm những quan hệ nhân sinh, xã hội. Từ đó đưa ra thông điệp về khát vọng đổi thay những bất công phi lý, khuyên thanh niên sống có lý tưởng, lành mạnh", Đỗ Hải Ninh nói.

[caption id="attachment_133589" align="aligncenter" width="410"] Nhà văn Vũ Tú Nam ôn lại kỷ niệm về Nguyễn Đình Lạp.
Nhà văn Vũ Tú Nam ôn lại kỷ niệm về Nguyễn Đình Lạp.[/caption]

Nhà văn Vũ Tú Nam dự lễ ra mắt với tư cách một người bạn thân thiết. Ông chia sẻ những kỷ niệm khi được tác giả Ngoại ô dìu dắt bước đầu trong nghiệp văn, những tình cảm ấm áp giữa hai gia đình nhà văn, nghệ sĩ.

Nguyễn Đình Lạp (1913-1952) là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông đến với nghiệp viết từ năm 1933 với những bài đăng trên một số tờ báo ở Hà Nội. Từ năm 1937, ông viết phóng sự, thành công với những điều tra về đời sống xã hội thủ đô những năm 1930 - 1940. Nguyễn Đình Lạp ghi dấu ấn với các tác phẩm: Thanh niên trụy lạc, Chợ phiên đi tới đâu, Những vụ án tình, Cường hào, Ngoại ô, Ngõ hẻm...

Theo Vnexpress

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ha-noi-nhung-nam-1930-trong-tac-pham-nguyen-dinh-lap-a133587.html