Sau nhiều dự đoán, cuối cùng 4 nguyên tố mới cũng đã được đưa vào chu kỳ thứ 7 trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học của Mendeleev.
Mặc dù sự tồn tại của 4 nguyên tố hóa học trên đã được dự đoán từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên những nguyên tố hóa học chính thức được xác định và công bố. Điều này đồng nghĩa với việc những nguyên tố đó sẽ được đặt tên chính thức. 4 nguyên tố hóa học đã được đưa vào các vị trí là số 113 (Uut), 115 (Uup), 117 (Uus) và 118 (Uuo) trong bảng tuần hoàn.
Một nhóm các nhà khoa học người Nhật Bản, Nga và Mỹ là những người có đóng góp lớn trong việc phát hiện 4 nguyên tố này. Đây là lần thay đổi đầu tiên của bảng tuần hoàn kể từ khi nguyên tố 114 và 116 được thêm vào từ năm 2011.
Trước đó, ngày 30/12/2015, Liên minh Quốc tế về Hóa học Thuần túy và Hóa học Ứng dụng (IUPAC) đã chính thức xác định và công bố 4 nguyên tố 113, 115, 117 và 118.
Tuyên bố của IUPAC cho biết đội ngũ các nhà khoa học Nga - Mỹ tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân ở thành phố Dubna, Nga, và Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore ở California, Mỹ là những người phát hiện các nguyên tố 115, 117, 118. Trong khi đó, công phát hiện nguyên tố số 113 được trao cho các nhà khoa học tại Viện Riken, Nhật Bản. Đội ngũ nhà khoa học tại Viện này thậm chí còn đang ấp ủ việc phát hiện ra nguyên tố thứ 119.
Nhiệm vụ tiếp theo của các nhà khoa học sẽ là đặt tên cho những nguyên tố mới được phát hiện để thay thế cho những tên đang được sử dụng tạm thời là Ununtrium (Uut), Ununpentium (Uup), Ununseptium (Uus) và Ununoctium (Uuo).
Theo đó, các nguyên tố mới thường được những người phát hiện đặt tên theo một thần thoại, khoáng sản, địa danh, đất nước hoặc đơn giản là tên người phát hiện ra nó. Và đây cũng là lần đầu tiên một nguyên tố hóa học được đặt tên tại châu Á. Theo một số nguồn tin, đội ngũ các nhà khoa học của Viện Riken dự định sẽ đặt tên nguyên tố số 113 là “Japanium”.
Những nguyên tố mới đều tồn tại ở dạng tổng hợp. Các nhà nghiên cứu phát hiện chúng bằng cách cho những hạt nhân nhẹ va chạm nhau với tốc độ cực lớn và theo dõi quá trình phân rã của các nguyên tố phóng xạ siêu nặng. Với các đặc điểm tương tự như các nguyên tố siêu nặng nằm cuối cùng trong bảng tuần hoàn khác, chúng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian chưa tới một giây trước khi phân rã thành nguyên tố khác.
Theo Dantri
Link nội dung: https://phaply.net.vn/4-nguyen-to-moi-duoc-them-vao-bang-tuan-hoan-a133420.html