“Người tình” và những ngôi nhà cổ miền Tây Nam Bộ

23/02/2018 09:46

(Pháp lý) - Những người hoài cổ khi có dịp về miền Tây sông nước Nam Bộ, không thể không đi thăm Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc, Đồng Tháp và Nhà cổ họ Dương ở Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Đây là hai ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp kết hợp với truyền thống Á Đông, còn khá nguyên vẹn. Có thể nói không quá lời rằng, hai công trình này được hồi sinh, được nhiều người biết đến chính là nhờ “Người tình”…

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Ngôi nhà có mặt tiền kiểu Pháp ở thành phố Sa Đéc nhìn ra sông Tiền ngày nay là một điểm du lịch thu hút khách trong nước và nước ngoài. Qua khoảnh sân vuông vức có mấy chậu sen, là bậc tam cấp bước lên hiên nhà. Hiên có năm vòm kiểu gotic nhưng chỉ có một lối đi ở cửa giữa. Mái nhà giữ nguyên thứ ngói âm dương truyền thống. Ngay trên my cửa chính là bức hoành phi nền gấm thếp vàng có ba chữ Hán sơn then Huỳnh Cẩm Thuận, tên của ông chủ ngôi nhà này cũng như hàng trăm căn nhà cho thuê ở Sa Đéc và Chợ Lớn… Ngôi nhà sau được chia cho người con trai có tên là Huỳnh Thủy Lê.

Mặt tiền ngôi nhà
Mặt tiền ngôi nhà)

Nội thất trong căn nhà, ngoài nền gạch men và trần nhà kiểu Pháp, còn lại nội thất mang phong cách Á Đông đặc sắc, cả ba gian đều có cửa võng sơn son thếp vàng với những họa tiết chim muông, hoa lá rất sống động. Do chủ nhà là người Việt gốc Hoa nên gian giữa được thiết trí bàn thờ Quan Công. Tranh thờ được đặt trong một khám lớn, sơn son thếp vàng. Bàn thờ có hai lư hương và hai bên bày hai con cóc ngậm đồng tiền nhỏ, đều bằng đồng. Phía trên có bức hoành phi đề bốn chữ lớn “Trung Tây cộng ngưỡng”, có nghĩa là cả Trung Hoa và Phương Tây cùng ngưỡng mộ.

Những ô trang trí trên bộ sườn nhà, những cánh cửa gỗ quý đều được khảm trai với họa tiết đẹp và chữ Hán mang ý nghĩa khuyến khích cách đối nhân xử thế tốt đẹp như “Vi thiện tối lạc”; “Thuận ý”; “Cẩm tâm”…

Theo lời hướng dẫn viên, ngôi nhà này được ông Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng từ năm 1895 theo kiểu nhà truyền thống Nam Bộ. Đến năm 1917, ngôi nhà được xây dựng lại theo phong cách kết hợp hài hòa kiến trúc của hai nền văn hóa Đông - Tây. Gạch lát nền nhà được mang từ Pháp sang, nhưng mái nhà lợp ngói âm dương vẫn giữ nguyên, đầu hồi được thiết kế hình chiếc thuyền lướt sóng phản ánh đặc điểm vùng sông nước Nam Bộ. Như vậy ngôi nhà đến nay vừa tròn 100 tuổi.

Tác giả bên nội thất nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Tác giả bên nội thất nhà cổ Huỳnh Thủy Lê)

Sau ba gian khách là các phòng sinh hoạt, phòng ngủ của gia chủ, được giữ nguyên đồ đạc xưa, trên tường treo những tấm hình gia đình ông Huỳnh Thủy Lê và hình nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras tác giả cuốn quyển tiểu thuyết lừng danh “L'amante” ("Người tình").

Có thể nói Marguerite Duras là đại ân nhân của di tích này. Nếu không có cuốn tiểu thuyết mỏng mang tên “Người tình” của Marguerite Duras được xuất bản năm 1984 tại Pháp, giành giải Goncout và được dịch ra đến trên 40 thứ tiếng, với hàng triệu bản in và sau đó bộ phim cùng tên được quay tại Việt Nam, thì ngôi nhà cũ kỹ ở thành phố nhỏ Sa Đéc này khó có thể được tu bổ, gìn giữ và trở thành Di tích cấp quốc gia hôm nay.

Sau những dâu bể của thế kỷ XX, ngôi nhà này không còn con cháu nhà họ Huỳnh sinh sống, nên được dùng làm trụ sở cho một số cơ quan ở địa phương. Nếu tiếp tục được sử dụng làm trụ sở, ngôi nhà chắc chắn sẽ mất dần tính nguyên gốc, thất lạc đồ nội thất và có thể bị cải tạo, xây dựng lại… May thay, “Người tình”, cuốn tiểu thuyết và bộ phim nổi tiếng đã khiến du khách nước ngoài, nhất là từ những nước nói tiếng Pháp rủ nhau tìm tới, nên năm 2006, ngôi nhà được bàn giao cho Công ty cổ phần du lịch Đồng Tháp, quản lý, khai thác phục vụ du khách. Ngôi nhà đã được sử dụng với một giá trị văn hóa cao. Người ta nói rằng, mỗi ngày có khoảng 100 du khách nước ngoài, trong đó khoảng một nửa là người Pháp đến thăm ngôi nhà này.

Nhà cổ họ Dương ở Bình Thủy

Năm 1991, đạo diễn Jean Jacques Annud đến Việt Nam để quay bộ phim “Người tình”, đã mời nhà văn Sơn Nam làm cố vấn lịch sử, văn hóa cho bộ phim. Nhà văn Sơn Nam đã dẫn đạo diễn về thăm ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê để làm bối cảnh chính cho phim, nhưng khi đó ngôi nhà đang là trụ sở cơ quan nhà nước, lại xuống cấp nên kế hoạch thay đổi, phải tìm ngôi nhà có phong cách tương tự để thay thế.

Nhà cổ họ Dương ở Cần Thơ
Nhà cổ họ Dương ở Cần Thơ)

Ngôi nhà cổ họ Dương ở Bình Thủy, thành phố Cần Thơ ngay lập tức đã chinh phục đạo diễn Jean Jacques Annud vì ngôi nhà đồ sộ, nằm trên diện tích 6000 m2, gần như còn nguyên vẹn, với phong cách kiến trúc kết hợp Đông Tây nhuần nhuyễn. Đạo diễn đã sống trong ngôi nhà này hơn một tuần để quay những cảnh có liên quan đến ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê. Hiện nay trong ngôi nhà còn treo ảnh của đạo diễn với diễn viên chính và bút tích của ông nói lên những cảm xúc về ngôi nhà này.

Chúng tôi vừa may mắn được đến thăm ngôi nhà với ấn tượng bất ngờ. Chạy dài đến mấy cả trăm mét theo đường Bùi Hữu Nghĩa là hệ thống cổng sơn màu vàng và hàng rào sắt kiểu Pháp thông thoáng sơn màu xám, nổi bật ngôi nhà cổ phía trong. Qua cổng là sân gạch rộng, chính giữa, kê sát hàng rào là một núi non bộ lớn. Cửa chính được thiết kế hai cầu thang cuốn đi từ hai bên lên thềm nhà. Ba cửa chính, mỗi cửa thiết kế ba vòm, cho cửa đi và hai cửa sổ, hai gian ngoài cùng cửa được thiết kế đơn giản hơn.

Bước vào trong nhà là một không gian hoàn toàn Việt Nam. Nhưng khác với lối thờ phụng của nhà cổ bên Sa Đéc, nhà thờ họ Dương trên cao nhất thờ Đông trù tư mệnh (Táo quân) và Phúc đức chính thần, dưới là bài vị tiên tổ họ Dương. Bàn ghế, tủ thờ đều bằng gỗ chạm khảm ốc. Hệ thống cột, bao lam, con tiện được làm bằng gỗ gõ đỏ, không sơn. Các ô được trang trí bằng những hình ảnh mai, lan, cúc, trúc và những con vật gần gũi với người dân địa phương.

Đối diện ban thờ chính, trên my cửa ra vào là bức chân dung ông Dương Chấn Kỷ, mặc quốc phục, thuộc đời thứ 4 gia tộc họ Dương, chủ nhân của ngôi nhà. Ông là một trí thức và một thương gia lớn, đã xây dựng lại ngôi nhà tổ tiên xây dựng từ năm 1870. Ban đầu ngôi nhà bằng gỗ, khi trùng tu năm 1911 ông đã xây tường gạch và bê tông bao quanh để tăng tuổi thọ và có bề ngoài là kiến trúc Pháp. Dưới nền nhà có lót một tấc muối hạt để chống côn trùng và mối mọt. Gạch hoa lát sàn nhà, lavabo sứ, đèn trang trí… gia chủ đều mua từ Pháp chuyển về. Trong nhà còn có bộ tràng kỷ đóng kiểu Louis thứ 14, khảm ốc, được đánh giá là tốt nhất miền Tây Nam Bộ. Điều đáng quan tâm là đồ dùng trong nhà được giữ gần như nguyên vẹn.

Trở lại thời điểm nhà văn Sơn Nam dẫn đạo diễn Jean Jacques Annud đến quay phim tại đây, ngôi nhà đang xuống cấp trầm trọng mà con cháu không có kinh phí để tu bổ, dù ngôi nhà từng là bối cảnh của những bộ phim ăn khách như Người đẹp Tây Đô, Công tử Bạc Liêu, Những nẻo đường phù sa… Nhờ sự nổi tiếng của bộ phim “Người tình”, danh tiếng ngôi nhà họ Dương vượt khỏi phạm vi Cần Thơ, du khách xa gần tìm đến tham quan… Vì vậy năm 2009, ngôi nhà tuyệt đẹp này được xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Bí ẩn

Tác phẩm “Người tình” được đánh dấu như một sự kiện lớn trong đời sống văn học Pháp của thế kỷ XX, thậm chí có người coi đó là sự kiện văn học lớn nhất thế kỷ. Cuốn tiểu thuyết đưa người đọc trở về năm 1929, trên chuyến phà qua một con sông có lẽ là sông Tiền để trở về trường nội trú ở Sài Gòn sau kỳ nghỉ tại nhà ở Sa Đéc, cô gái trẻ 15 tuổi thu hút sự chú ý của một người đàn ông giàu có 27 tuổi, con trai một nhà tài phiệt người Hoa, được thừa hưởng một khối tài sản lớn. Anh bắt chuyện với cô và cô đồng ý trở lại thị trấn với anh trên chiếc xe limousine sang trọng.

Cô gái là con một goá phụ phá sản và trầm uất, đã trở thành người tình của anh chàng người Hoa, cho đến khi anh không dám chống lại sự phản đối của cha mình và kết thúc cuộc tình.

Đây được coi là cuốn tiểu thuyết tự truyện của tác giả, người sinh tại Gia Định, Sài Gòn năm 1914 do mẹ đến dạy học tại đây. Mẹ của Duras là Hiệu trưởng trường L’ecole Primaire De Jeunes Filles De Sadec (nay là Trường Tiểu học Trưng Vương). Và cũng nhờ “Người tình” mà ngôi trường trở nên nổi tiếng, nhiều du khách đến thăm. Đại diện chính quyền nơi bà Duras sinh sống bên Pháp đã từng qua thăm và tặng 4.000 euro để tu bổ ngôi trường. Rồi con của bà Duras và cả người chồng cuối cùng của bà cũng qua thăm trường. Ngày nay, Trường Trưng Vương vẫn còn duy trì dạy tiếng Pháp cho học sinh theo chương trình hỗ trợ của Cộng đồng Pháp ngữ.

Tuy nhiên, Duras không bao giờ tiết lộ tên thật người tình gốc Hoa của bà và chỉ sau này, khi bộ phim “Người tình” được quay thì bà thừa nhận mình là cô gái trong tiểu thuyết.

Về phần nhân vật “người tình”, người ta cho rằng đó là Huỳnh Thủy Lê, sau khi chia tay với người bạn tình Pháp, đã phải nghe lời cha lấy một cô gái rất xinh đẹp, con của một điền chủ giàu có khác ở Tiền Giang. Sau năm 1975, ông Huỳnh Thủy Lê đã cùng gia đình di tản sang Mỹ. Theo ý nguyện của ông, sau khi ông qua đời, di cốt đã mang về an táng tại Sa Đéc...

Tuy nhiên, trong bài “Bí ẩn Người tình của Marguerite Duras”, tác giả Trần Hinh đưa ra nhiều nghi vấn rằng tại sao một người từng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam suốt gần 20 năm (từ 1914 đến 1932), từng có những ấn tượng rất đẹp về Việt Nam mà sau khi rời nơi đây, cho đến tận khi công bố “Người tình”, nghĩa là suốt hơn nửa thế kỉ, Duras lại gần như không “nhắc” gì tới đất nước, nơi mình đã sinh ra? Thứ nữa, đây liệu có phải là một câu chuyện có thật của Duras ở xứ Đông Dương gần một thế kỉ qua? Người đàn ông Trung Hoa giàu có ở Vĩnh Long có tên Huỳnh Thủy Lê yêu “cô bé da trắng 15 tuổi rưỡi” liệu có thật?
Trước đó, Duras nhắc đi nhắc lại là “Người tình” chỉ là một câu chuyện giả tưởng. Cuộc phiêu lưu tình ái đó không bao giờ tồn tại. Sự phủ nhận của nữ sĩ mãnh liệt đến mức bà chối bỏ cả tuyệt tác của mình một năm sau khi xuất bản.

Tác giả là người theo dõi Duras nhiều năm nay, không tin vào những “huyền thoại” đó. Ông ngờ rằng, đây chỉ là một “huyền thoại đẹp” mà người đọc Việt Nam (và ngay cả người Pháp) muốn lưu giữ về một nhà văn mà họ từng yêu mến.

Duras bắt tay viết “Người tình” khoảng cuối 1983 và đầu 1984, năm đó bà đã gần 70 tuổi. Trước đó chỉ chừng 3 năm thôi, Duras đã bước vào cuộc tình “sét đánh” với một chàng trai kém mình tới 38 tuổi. Đó là Yann Andréa. một sinh viên “sùng bái” Duras đến mê muội. Có “thiên thần tình yêu” bên cạnh, Duras như khỏe ra, trẻ lại. Và bà lại muốn viết. Ban đầu, “Người tình” chỉ bắt đầu từ những tấm ảnh. Duras gọi đó là “tấm ảnh nguyên bản”. Trong đó có hình ngôi nhà bốn mẹ con người đàn bà Pháp nghèo khó sống, bức ảnh ngôi trường Duras từng học thời nhỏ, bức ảnh con phà qua sông Mékon, bức ảnh anh trai, em trai…Trong khi đó lại không có bất cứ dấu vết mối tình nào với người đàn ông giàu có người Hoa. Duras từng thẳng thắn trả lời khi báo chí phỏng vấn khi cuốn sách được xuất bản rằng “Không có câu chuyện về cuộc đời tôi. Cái đó không tồn tại”.

Động lực nào đã khiến Duras sáng tạo ra nhân vật người tình Trung Hoa trong tác phẩm, trong khi nó lại rất mờ nhạt trong cuộc đời Duras? Tác giả cho rằng có lẽ, đó là cuộc tình với Yann Andréa. Mối tình “sét đánh” với chàng trai trẻ kém mình tới 38 tuổi đã “hâm nóng kí ức tình yêu” của Duras. Và chúng ta có thể suy đoán rằng, đã có một sự chuyển hóa ngược giữa mối tình Đông Dương cách đó hơn nửa thế kỉ với mối tình của người đàn bà tuổi 70 và chàng trai trẻ Andréa hiện thời. Duras viết tác phẩm gần cuối cùng của cuộc đời mình như trong một cơn mê sảng. Cuốn sách gần như cũng “tàn phá” sức lực còn lại cuối cùng của bà. Nhưng Duras có lẽ cũng không ngờ rằng đó là cuốn sách thành công nhất và cũng mang lại hạnh phúc lớn nhất cho cuộc đời bà: nhờ có “Người tình” mà Duras được hàng triệu người đọc trên thế giới biết đến. Với một nhà văn, sẽ chẳng còn có một hạnh phúc nào lớn lao hơn thế.

**
Có lẽ những bí ẩn xung quanh “Người tình” càng khiến nó trở nên hấp dẫn, vì người đọc càng muốn tự mình trải nghiệm, tìm hiểu và khám phá thực hư mối tình đặc biệt gần một thế kỷ trước giữa cô bé người Pháp hơn 15 tuổi và người tình Á Đông giàu có năm xưa… Và nhờ đó, những ngôi nhà cổ mang phong cách Á Âu của một giai đoạn lịch sử còn tồn tại Nam Bộ được trân trọng hơn, được gìn giữ tốt hơn để làm giàu vốn văn hóa cho vùng đất nhiều kênh rạch này.

Cảnh trong phim “Người tình”
Cảnh trong phim “Người tình”)

Ghi chép của Thái  Đăng

Bạn đang đọc bài viết "“Người tình” và những ngôi nhà cổ miền Tây Nam Bộ" tại chuyên mục Sự kiện nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin